Tuesday, July 6, 2010

Rung Goi

“Một dân tộc không có rừng thì dân tộc đó sẽ chết.” André Theuriet Năm đó nó quyết định bỏ rừng mà đi. Rừng? Đó còn gọi là rừng được ư? Người ta phát quang rồi cắt rừng bằng những con đường tráng nhựa thẳng tắp. Những lối mòn được dọn phẳng phiu, hai bên cỏ xén, hoa trồng. Điểm thêm năm ba con lạch nhỏ nước bơm dẫn từ nguồn sông ở bìa rừng. Đó còn là rừng ư?
Nó quyết định đi. Cùng bỏ đi còn có một con báo, một con sói, mấy con mèo rừng, cầy vằn và khướu. Chúng đều là những con có tên trong Sách Đỏ. Cuốn sách liệt kê các loài sắp tuyệt chủng, cấm săn.
Đi. Cái quyết định này có thể cũng không cứu nổi nó. Nhưng ở lại, đó là một hành động tồi. Chỉ có những loài chim chóc, sóc, thỏ, các loại gà rừng, công, ngỗng, bò sát, côn trùng, cóc nhái, rùa và cá ở lại. Nhiều nhất là chim và dơi. Nổi bật hơn cả là khỉ, vượn, các loại linh trưởng như vọoc má trắng, mông trắng, vọoc đen, vọoc xám, vượn đen, khỉ nâu, khỉ vàng,… không chịu đi. Các loài này có lẽ nghĩ, hình thể chúng gần với người có thể chúng sẽ được đối xử như người với người chăng? Nó đi, không phải vì sợ người. Một tiếng gầm rung chuyển rừng núi cũng đủ làm lũ người trong cái khách sạn lèo tèo kia bỏ chạy. Nó đi, chỉ vì chúa sơn lâm không thể sắp hàng cho loài người đếm số điểm danh. Đó là sự sỉ nhục cho tất cả các giống cọp trên đời. Nó đi, vì rừng không còn là rừng. Rừng Cúc Phương đã trở thành Trung Tâm Bảo Vệ Động Thực Vật Hoang Dã Cúc Phương, nhưng thực tế họ bảo vệ rừng nguyên sinh theo kiểu mẫu xây dựng công viên quốc gia, một thứ trung tâm du lịch dã ngoại vốn ít lời nhiều. Nó tạo cho du khách cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm trong an toàn. Cũng may, họ chưa bỏ vào đó một chú Tarzan thích leo trèo, một đám Bạch Tuyết-Bảy Chú Lùn để biến khu rừng này thành một cánh rừng trên sách.
Đi. Đi đâu? Nó cũng chưa biết. Quyết định bỏ rừng làm nó đau xót lắm. Cánh rừng này là cánh rừng già nhất Việt Nam. Chưa đi mà nó đã nhớ. Nó ngước nhìn những cây chò, cây sấu, cây đăng,… Đây là những cổ thụ cao ngất từng xanh. Gốc phải đến mấy chục người ôm. Tàng lá mà nó đã từng ví như mái tóc của Trường Sơn. Vậy mà cảnh rừng bí hiểm nay không còn. Bóng rừng thâm u bây giờ quang đãng xanh tươi như là vườn cây kiểng. Những động con Moong, những hang tiền sử bây giờ trông giống như những lều trại được quét dọn sạch sẽ. Đêm cuối cùng nó phóng mình lên Đỉnh Mây Bạc. Một màu tím loang nhẹ nhuộm khắp đất trời. Một vầng trăng bạc vừa mới nhú trong mây. Trời vẫn vậy, đất cũng y nguyên. Chỉ có thế gian này đột nhiên thay đổi.
“Bỏ rừng thôi”. Nó phóng mình đi ngay trong đêm đó. Người ta xuôi ngược vô Nam, nó quyết định men lên phía Bắc. Trời tháng Sáu, những cơn mưa rừng bắt đầu tầm tã. Bóng nước xóa mờ cây cối. Nó len lỏi trong rừng, lầm lũi trong đêm. Nguy hiểm nhất là đôi khi phải băng ngang những dãy đồi trọc, cỏ lún phún chỉ phủ ngang chân. Nó tránh những làng mạc của những sắc dân thiểu số. Chỉ cần có người thấy bóng nó thoáng qua, người ta sẽ gõ chiêng gióng trống kinh động cái tĩnh lặng của rừng. Dân làng bản vừa sợ vừa thờ. Họ sẽ tế gà, heo… và kêu nó bằng Ông. Ông Hùm, Ông Hổ, Ông Ba Mươi, Ông Kễnh, Cọp, Chúa Tể Rừng Xanh, Chúa Sơn Lâm,… Nhưng cánh thợ săn mừng kinh khủng. Bắt được một con cọp giống như bắt được của trời cho. Họ sẽ giăng bẫy, cầm súng cày nát rừng sâu để lùng sục. Nhưng nó không sợ đám thợ săn. Đa số bọn họ cả đời cũng không săn được cọp. Chúa săn thật sự chính là nó. Mười lần săn không trật một. Điều nó sợ là đã bao nhiêu ngày trôi qua, tuyệt không hề đánh hơi được đồng loại. Không lẽ rừng ở đất nước này không còn cọp? Đồng loại của nó đã tận tuyệt vì bị săn bắt? Hay nạn phá rừng đã đẩy chúng trôi giạt tha phương? Băng qua những cánh rừng quê hương, dù vào mùa mưa, cây lá cũng không um tùm. Rừng bây giờ thưa đến lạnh mình.
Những ngày tiếp nối là những ngày lang thang vượt lên mạn ngược. Nó quyết định tìm đến Tà Sùa. Đấy là cánh rừng già quý nhất tỉnh Sơn La. Rừng Tà Sùa nổi tiếng nhờ nhiều thứ gỗ, quý nhất là đinh hương (pơ-mu), hạp hương, cẩm lai,… Rừng cây quý ngàn năm với những ngọn cao tưởng như có thể chọc thủng trời. Đây là cánh rừng trong mơ của nó.
Sơn La, cao nguyên hùng vĩ mênh mông. Núi liền núi, rừng nối rừng. Nó trèo lên những con dốc dựng đứng, bước từng bước trên những đường mòn cheo leo như được khắc dựa ngay lưng núi. Đó là con đường bản địa do tổ tiên những người hái thuốc, hái lan rừng tạo ra. Địa thế hiểm trở làm chậm hành trình nhất là vào mùa mưa. Những cơn mưa rừng nhiệt đới như trút trời tạo thành những cơn lũ quét nguy hiểm. Nhảy qua những chỏm đá phủ đầy rêu trơn trượt, dù có móng sắt bấu víu cũng rất dễ ngã. Đỉnh núi cheo leo, độ cao 2,000m. Từ trên nhìn xuống, chung quanh là những lũng, vực sâu không thấy đáy. Mùa mưa, khí trời se sắt, sương trắng giăng giăng giống như một dải khăn voan mỏng vắt ngang đồi núi.
Sông vòng theo núi chảy Rêu đượm nước mưa đầy Đứng cao nhìn xa tít Ngỡ mình lạc trong mây1
Nó đến Tà Sùa sau một đêm thức trắng. Rừng ngập nắng. Ánh sáng vàng tươi tưới ngập núi đồi. Cả cánh rừng rực rỡ chói lòa. Nó ngạc nhiên quá đỗi. Bóng rừng thâm u đâu? Chả lẽ nó lại lầm? Cúi xuống ngửi đất xong, nó áp tai nghe ngóng định hướng một hồi. Không lạc được. Đây chính là Tà Sùa. Khu rừng ngàn năm tuổi đây mà. Rừng Tà Sùa chính là cái đuôi phía Nam của dãy Hoàng Liên Sơn. Nó phóng mình vờn quanh qua những triền núi. Những ngọn pơ- mu đâu? Không có một ngọn cây nào vượt qua tầm mắt.
Thoáng chốc mặt trời bắt đầu lên cao. Bóng nắng lưa thưa lao xao hàng lá. Một cơn gió mơn man thổi ngược về nó. Hinh hích mũi ngửi, nó linh cảm có điều gì bất thường. Mùi nắng? Mùi khét? Mùi khói? Không lẽ nơi đây đã xảy ra nạn cháy rừng? Tại sao cháy? Cháy ở đâu? Trăm ngàn câu hỏi bất chợt hiện lên. Có thể nào? Mùa mưa mới qua, mùa khô chưa tới. Mà đây cũng không phải là nơi người ta đào nương đốt rẫy. Mùa này hơi đất vẫn còn ẩm, lá chưa khô. Lửa nào bén trong thời tiết như vầy? Nó săm soi nhìn kỹ từng chiếc lá, nhánh cây vương vãi trên mặt đất rồi đảo mắt nhìn quanh. Ánh mắt nó ngừng khi cúi về phía lũng. Rừng động. Có những tiếng động ỳ ầm vang lên từ khe núi. Thợ rừng? Phường săn? Hay những người hái thuốc, hái rau, đào củ? Nó nhún mình, phóng xuống núi.
Loài người gọi nó là cọp. Cọp là gì? Hổ. Hùm… những cái tên chả có ý nghĩa gì. Người phương Tây gọi nó là Tiger. Tiger, nguyên gốc từ chữ “tigris”, có nghĩa là mũi tên. Bây giờ nó phóng nhanh như bay. Một mũi tên vừa bật khỏi cung. Lướt mình qua rừng cây. Nó tung mình băng qua những khe đá. Rừng lá còn ướt. Đất dậy mùi ẩm của sương muối từ đêm qua. Không có mùi lá nát, mùi rệu rã của rêu xanh, mùi gỗ mục dưới chân.
Càng xuống dưới, rừng càng trụi. Những thân cây cháy xém in hằn dấu tích nơi đây đã trải qua một vụ cháy rừng. Gần xuống đáy lũng, nó đứng sững lại. Cả một rừng cây cháy đen, loang lổ. Mặt đất đó đây vương vãi những cành cây cháy dở. Nó kinh hoàng quá đỗi. Đây không phải là một vụ tai nạn. Đây chính là một vụ đốt rừng. Cả một vùng pơ-mu bị tàn sát. Nó chồm lên một gốc pơ-mu bị cưa trụi lủi. Mặt gốc nhẵn thín, đen nhẻm. Nó dùng vuốt sắc cào cào mấy lượt. Qua lớp muội than, gỗ pơ-mu vàng óng hiện ra. Đích thực người ta đã cưa trộm gỗ và phi tang bằng một vụ cháy rừng. Cả một cánh rừng già chết thảm. Nó nghiêng đầu dáo dác ngó quanh trên mặt đất lởm chởm. Đó đây những chồi xanh mới nhú. Vài chiếc lá mầm đơn lẻ, nhỏ nhoi. Phải mất cả nghìn năm cái cây mầm này mới lớn bằng cái gốc vừa mới đốn. Nghĩ tới đó, toàn thân nó nóng rần, mắt rừng rực như tóe lửa, nó rùng mình giận dữ gầm lên. Tiếng thét phẫn uất vang dội khắp núi rừng. Từ trong mấy khe núi, từng đàn chim hoảng hốt đập cánh phần phật bay ra.
Buổi chiều hôm đó, nó băng mình chạy như điên ra khỏi rừng Tà Sùa. Sau lưng rừng, mặt trời đỏ ối đang lừng lững cuối trời. Ánh nắng loang dài như một vệt máu hắt qua những hàng cây. Sau này nó cũng không nhớ lúc đó nó nghĩ gì. Nó chỉ nhớ trong cơn cuồng nộ, nó chỉ muốn đâm mình vào cõi chết. Nó chạy. Thần kinh không kiểm soát được bốn chân. Gió ù ù vùn vụt thổi ngang tai. Nó đang đuổi bắt bóng mặt trời. Và chỉ muốn nhảy vô cái khối cầu đỏ lửa. Rồi cũng không nhớ lúc nào thì nó đuối sức. Nó trượt chân ngã mình xuống dốc, rồi nằm lăn ra thở. Lúc hơi thở đều hòa là nó lại rơi vào giấc ngủ. Khi thức dậy, mặt trời đã biến mất. Một mảnh trăng cong như cái lưỡi hái treo ngược trên đầu núi. Trời trong xanh ngắt. Bên dưới, tiếng nước sông dội vào chân núi ầm ỳ như đá lở.
Sáng hôm sau khi bóng tối còn chưa tan, nó đã nghe tiếng cười nói ơi ới gọi nhau trong gió sớm. Bên dưới, xa xa, thỉnh thoảng có tiếng động cơ nổ dòn, hàng đèn pha soi rõ mấy giàn cần cẩu trơ chõng trong màn sương. Một ngày mới của thủy điện Sơn La bắt đầu. Tuy đứng trên mỏm núi cao nhất, nó cũng không nhìn thấy hết công trình. Nước sông chảy xiết, tiếng nước đổ ầm ầm từ mặt đập phá vỡ không gian vắng lặng. Khu đập kéo dài từ Tạ Pú tới Pa Vinh, chiếm diện tích cả 7 xã. Cả trăm ngàn dân bị lùa lên núi, phá rừng làm rẫy, lập thành những làng mạc mới. Núi đồi trùng điệp thâm u giờ đông đúc bóng người. Đất không linh, rừng hết thiêng. Đây không còn là nơi để trú ẩn.
Ngược lên hướng Bắc, nó băng qua những thung lũng mù sương. Có những khe sâu không bao giờ thấy ánh mặt trời. Từ những chốn thâm u, sơn cùng thủy tận này đôi khi nó nghe được những kêu răng rắc khe khẽ trong lòng đất. Tiếng đá nứt? Tiếng bùn trôi? Tiếng trượt nhẹ của những tầng địa chất? Nơi này chắc chắn sẽ có động đất. Nó linh cảm thế. Phải chạy khỏi vùng này. Viễn ảnh một cơn động đất làm núi lở, đất đá bay, đập thủy điện tan tành. Đập Sơn La là cái đập lớn nhất Đông Nam Á. Nó tưởng tượng một cơn lũ khổng lồ phăng phăng cuốn trôi tất cả. Nước sẽ tràn về đồng bằng. Cả một vùng châu thổ sông Hồng sẽ chìm trong biển nước. Một trận Đại Hồng Thủy sẽ nhấn chết cả chục triệu người. Kinh khủng quá. Lấy hết sức bình sinh, hai chân sau rùn xuống, ngược ưỡn ra, cổ rướn cao hết cỡ, nó gầm lên dữ dội. Âm thanh dội vô lòng núi rồi như sóng lan ra khắp núi đồi. Rừng lá rung rinh. Nó muốn cảnh báo cho muôn loài một tai họa lớn.
Khi phóng mình đi, nó còn nghe tiếng gầm thê thiết rơi rớt đâu đó ở sau lưng. Nó đi, cũng chẳng biết đi đâu. Lẩn quẩn ở đâu nó cũng gặp toàn đất dự án, vùng quy hoạch, làm đường, xây cầu, dựng phố xá. Những rừng cây có đánh dấu thập, những bảng cấm,… Người ta lợi dụng những kế hoạch treo để phá rừng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau tải những thân gỗ quý ngang nhiên ra khỏi rừng qua biên giới.
Ngược sông Đà mươi ngày đường, nó vào sâu trong địa phận Điện Biên. Đứng cheo leo trên những triền núi lở lói nhìn xuống, từng nấc ruộng bậc thang xếp lớp đưa xuống những lớp địa tầng xanh ngát bên dưới. Ruộng lúa non, nương sắn, và những vạt ngô cong cong, uốn mình.
Một rẫy lau cao làn gió chạy. Mấy hàng thưa lá sắc vàng phai.2
Thấp thoáng bên dưới có bóng những manh áo chàm phong phanh. Nó rùn mình thấp xuống, đi luồn dưới những hàng ngô, tới gần. Một người đàn bà ốm o, bụng chửa, đèo đôi bương nước, gương mặt nhăn nheo khắc khổ. Nó lừ mắt quan sát. Con mồi đang lơ đãng. Vồ người này, ăn chẳng ngon. Trong làng nhất định có heo, gà,… Tối nay, nó sẽ xuống.
Nó rời làng trước khi tiếng cồng, tiếng kẻng khua lên. Nó chạy trốn như một tên ăn trộm. Dựa vào những dấu chân, móng vuốt để lại, người ta sẽ đoán ra là cọp. Chỉ có cọp mới thịt hết một con heo. Mấy ngày sau, họ sẽ đào hố đặt bẫy, hay tổ chức đội canh phòng. Cùng lắm, họ chỉ khua phèng la hay đốt lửa dọa. Nó bỏ đi không phải vì mấy trò này mà chỉ vì nó không muốn dây dưa với loài người. Trong mắt người, nó là một loại hung thần ác sát. Nhưng chim cũng là loài ăn thịt lại được con người xem là con vật dễ yêu, mang biểu tượng hòa bình. Nó săn bắt để sống, còn con người giết vì nhiều lẽ, để ăn, để chơi và đôi khi cũng chẳng cần một lý do nào cả. Mà đôi khi họ còn giết lẫn nhau. Vậy mà loài người vẫn tự hào là một sinh vật khôn nhất. Bấc giác, nó nhớ tới câu truyện “Trí Khôn Loài Người”. Truyện kể, có một con cọp thấy một người nông dân đang nghỉ trưa dưới một gốc cây, nó đến gần hỏi, “Nghe nói, loài người là sinh vật khôn nhất muôn loài. Vậy, trí khôn của ngươi đâu đem ra cho ta xem.” Người nông dân thấy cọp hoảng quá, ấp úng nói “Trí khôn tôi để ở nhà.” Rồi bảo cọp, để ông ta về nhà lấy. Cọp đồng ý. Người nông dân lại bảo, sợ trong khi ông ta về cọp lại bỏ đi bèn đề nghị lấy dây trói cọp lại. Cọp đồng ý. Sau khi trói cọp xong, ông ta lấy gậy quất cọp tới tấp. “Trí khôn tao ở đây nè.”
Câu truyện thật buồn cười. Nó khẩy mũi, mắt chiếu ra những tia nhìn khinh mạn. Cái dại của người nông dân là dùng gậy đánh cọp. Đánh không chết thì mới khốn. Xưa nay, chưa có kẻ nào tấn công nó mà sống sót.
Vừa đi vừa săn, bôn ba một mình trong đêm tối. Khi đến gần Pac-ma nó bỏ sông hướng về phía Tây Bắc. Mục tiêu bây giờ đến Mường Nhé. Đây là cánh rừng già gần biên giới Lào Việt, một khu rừng kỳ ảo mà trước nay nó nghe nhắc đến nhiều. Hy vọng của nó tăng dần khi thấy đường đi xa diệu vợi. Đó là nó đi tắt, đi theo đường chim bay. Nó tránh những bản làng, đường xá, và cả những nơi loáng thoáng bóng người. Nằm gần biên giới ắt hẳn Mường Nhé còn là cánh rừng hoang vu.
Nó không nhớ mình đã vượt qua bao nhiêu núi, mò mẫm bao nhiêu ngày để tìm đường leo lên những vực sâu mới đến được Mường nhé. Nhưng Mường Nhé là tên của huyện. Ban đêm nó lòng vòng ra huyện để ngửi đất. Mùi rừng ngai ngái bốc từ đất. Có những mảng đất phẳng lì mà nhìn kỹ thì không phải đất. Đó là những trảng rừng bị đốt trui. Nó cào cào mặt đất. Dấu của một gốc cây đường kính gần 2 mét bị cưa sát đất. Quả, nơi đây đã từng là rừng.
Trưa hôm sau nó dầm mình xuống một con suối sâu, nước ngập phủ lưng. Lội ngược con suối này lên thượng nguồn là đỉnh mây mù Chung Chải. Bấy giờ là mùa Xuân, hoa ban li ti ngợp trắng trời, nước trên núi chảy xiết. Nó vất vả lội ngược từng bước một. Đá sỏi xô lệch sau mỗi bước chân của nó. Con suối ngoằn ngoèo, nước róc rách. Sức nước yếu dần khi lên gần đỉnh. Đứng trên đỉnh nhìn xuống lũng, mây mù ngưng đọng không bay. Đó chính là khu tâm điểm của rừng Mường Nhé.
Từ mép vực trên đỉnh Chung Chải nó ngửi được mùi lá cây, mùi nhựa gỗ thơm thơm trong gió. Nó lần mò xuống vực. Dọc đường nó kinh ngạc nhận ra một lối mòn có dấu xe chạy. Càng xuống sâu nó càng kinh hãi. Thấp thoáng xa xa một hai mái lá ẩn hiện sau những vạt lúa vàng ươm. Rừng đâu? Nó dớn dác ngó. Đó đây một vài thân cây ngã rạp đè ngang mấy nương sắn. Những bộ rễ cây lồi lõm ngoằn ngoèo như thân con mãng xà bị chặt đứt từng khúc vương vãi khắp nơi. Rừng lởm chởm toàn những gốc cây đầy thương tích. Một cảnh tàn phá dở dang chẳng khác cảnh chiến tranh.
Trong lúc đang còn ngỡ ngàng chợt nó nghe có tiếng trẻ con văng vẳng. Ngạc nhiên quá đỗi, nó phóng mình theo hướng phát ra tiếng khóc. Một cảnh tượng làm nó sửng mình. Giữa khoảnh đất trống vừa mới quang, ba đứa trẻ bụng ỏng, ở truồng, ngồi khóc trên sàn tre cao. Tự nhiên theo phản xạ, nó thu mình trong bụi lá để quan sát. Sàn tre cao là một loại sân chơi tránh thú dữ của người miền núi. Sàn không cao lắm, vừa tầm nhảy của nó. Giàn làm bằng những thân cây nhỏ được cột kỹ bằng những dây rừng. Sát đó là một căn nhà sàn sơ sài mới dựng. Màu vách mới, mùi nhựa cây hăng hắc. Ai lại sống giữa rừng như vầy? Đang suy nghĩ miên man bỗng nó giật mình, từ đàng xa một người đàn ông nhỏ thó vác mác xông tới. Theo sau là một người đàn bà đen đủi quơ quơ cái liềm, miệng la inh ỏi. Nó rùn hai chân sau, hai chân trước xòe vuốt bấm sâu vào đất, sẵn sàng trong tư thế tấn công. Nhưng hai người hình như không thấy nó, họ chạy đến bên đám trẻ. Thì ra, đây là một gia đình thuộc loại “đông tre ấm bụi”, ý chừng đã hết đất sống với thế giới bên ngoài.
Nó lầm lũi bỏ đi trước khi họ nhìn thấy. Những ngày kế tiếp là những chuỗi ngày đầy thất vọng. Đi đâu nó cũng nhìn thấy thấp thoáng bóng nhà cửa. Gỗ bị đốn, từng cây, từng cây một. Những cổ thụ cao lớn ngất ngưỡng với trời xanh, bây giờ giống như những người khổng lổ bị trói tay, lặng lẽ đứng chờ người ta chém gục. Rừng bị tàn sát, thân đổ ngổn ngang. Thung lũng Chung Chải hoang tàn như bãi chiến trường. Người H’mong vượt biên giới vô rừng vác gỗ thuê. Thấy đất thung lũng tốt, họ kéo vợ con lũ lượt sang dựng nhà, lập bản, làm nương rẫy. Làng mạc mọc lên. Rừng biến mất.
Rời Chung Chải, nó mang theo một nỗi chán chường. Đi sang Na Hì, Chà Cang, Quảng Lâm, Nậm Kè, Mường Toong,… Rừng mất dấu. Biên giới cũng không còn. Đi đâu cũng thấy người H’mong. Một cuộc xâm lăng không tuyên chiến. Tuyệt vọng, nó lang thang lên vùng địa đầu. Chưa đến gần biên giới phía Bắc, nó phát hiện những chuyên viên đo đạc người Tàu. Mới đầu, nó còn tưởng đã quá trớn sang biên giới, nhưng không, họ làm việc cho công ty trồng rừng. Nó kinh ngạc, không hiểu nổi. Vì cớ gì người Việt phá rừng rồi lại trồng rừng? Ai ngang nhiên dẫm bừa pháp luật? Hàng trăm ngàn thước gỗ quý kéo đi đâu? Ai đã cắt đất giao cho Tàu trồng rừng? Giao đất, dễ. Đòi đất, khó. Người không biết giữ đất, làm sao giữ được rừng?
Lang thang trong cánh rừng trọc mấy hôm, nó phát hiện trên những cành cao người Tàu gắn những chiếc máy camera. Định thu hình nó ư? Nó nhíu mắt nhớ ngay chuyện Zhenlong Zhou3, cái anh chàng thợ săn nộp hình cọp giả để lấy thưởng năm nào. Cái con cọp giấy cắt dán trong hình cũng đã làm Zhenlong Zhou ở tù vì tội giả mạo. Chưa hết, cả tá quan chức từng lấy đầu ra để bảo chứng cho tấm hình giả cũng bị bay chức. Có ai còn dám khinh thường cọp, dù chỉ là cọp giấy? Nghĩ tới đây bỗng nhiên nó thấy vui. Nó muốn chạy nhảy, gầm hét trước ống kính thu hình… cho bỏ ghét. Nhưng rồi nhớ tới cái oai phong của chúa sơn lâm, tới danh dự của loài tộc nó lại thôi. Loài người có thể sống giả dối, bịa bừa ra những chuyện Võ Tòng đả hổ, Lý Quỳ giết cọp,… để trấn an cho sự yếu đuối của mình. Nhưng nó thì không. Luật rừng xanh, không ai sống bằng những hoang tưởng.
Lang thang, lẩn quất cả năm trời trên núi rừng Tây Bắc vẫn không kiếm được một nơi trú thân, nó dọc xuống biên giới rồi xuôi Nam. Đến khi cật lực đuổi theo một con hoẵng chạy trối chết, nó lạc vào dãy Trường Sơn lúc nào cũng không biết. Núi biêng biếc bên trái và mặt trời mỗi chiều đỏ ối bên phải. Đây chính là Tây Trường Sơn. Một con đường độc đạo nhìn trên cao giống như con bạch xà đang trườn mình chúi mút vô rừng sâu. Trong chiến tranh, đây là con đường tuyến lửa tải đạn, tải người. Đại ngàn Trường Sơn như một chiếc áo tàng hình che giấu cả một triệu quân. Vậy mà bây giờ nó nghe nói người ta muốn phá rừng, xây một con đường cao tốc xuyên suốt Trường Sơn.
Nó thở dài. Ngước đầu nhìn trời, mây ở đây có hai mầu, bao giờ cũng thế, sắc sáng bên Đông, màu thẫm bên Tây. Trường Sơn Đông đang có phong trào trồng rừng. Rừng đặc dụng, chuyên trồng một thứ cây, như rừng bạch đàn, rừng trắc, rừng thông, rừng tràm, chè, tiêu… Không có con thú nào sống nổi trong những khu rừng đặc dụng. Rừng không có thú, sao gọi là rừng?
Đêm qua, trong lúc cuộc săn gần tàn, nó nghe có tiếng gà rừng eo óc. Nó mừng rỡ, vụt mình theo tiếng gà. Khi gần tới nơi, nó hãm mình lại, rón rén từng bước một. Nó chưa từng cảm ơn Tạo Hóa đã ban cho nó một sức mạnh trên cả muôn loài, nhưng nó thầm cảm ơn Ngài đã cho nó những dúm thịt nằm dưới bốn chân và một bộ lông mượt như nhung. Nó đi không tiếng động. Chui vô những lùm bụi, vạch kẽ lá không làm đau ngọn lá. Tất cả để khởi đầu cho một sự tấn công bất ngờ. Mà tạo được sự bất ngờ thì đã có hơn năm mươi phần trăm chiến thắng. Hãy tin nó. Cuộc đời chẳng mấy khi dùng hết sức trời cho. Ngoại trừ khi nó phải chiến đấu với sư tử, voi, báo,… Mà sư tử thì sống trên những cánh đồng cỏ tận Phi Châu. Còn voi, “trăm voi không được một bát nước xáo”, giết để làm gì? Con báo, con beo là họ hàng gần, chúng thường chia nhau lãnh địa để sống. Kẻ dù mạnh tới đâu đi nữa cũng không thể lấy sức mạnh để sống mãi. Điều quan trọng là phải biết giấu mình. Vì chỉ bị phát hiện một lần thôi cũng đủ làm muốn loài xa lánh. Nó sẽ đói mà chết.
Buổi sáng hôm sau, nó lại nghe tiếng voi ré. Trong lúc ngừng lại nghe ngóng thì phát hiện ra một cái hang. Hang không rộng lắm. Cửa hang trổ ra ngay lưng chừng núi. Một lối mòn dẫn ra con suối nhỏ xíu, nước hầu như đọng lại. Lối mòn cheo leo, có thể là con đường thú đi qua. Bước vào hang, nó rùn chân bước những bước thăm dò. Hang kín, và lạnh, chắc bỏ hoang lâu ngày. Đây là một nơi dừng chân lý tưởng. Ban ngày, nó sẽ ngủ đây. Trưa, ra suối dầm mình. Tối, săn bắt. Trong khi săn, nó sẽ thám thính quanh đây. Chắc chắn nó sẽ tìm ra được bầy voi. Có voi là có khỉ. Nó không ăn thịt khỉ. Nhưng khỉ là dấu hiệu của một khu rừng yên tĩnh. Nó mong sẽ tìm được nai, mễn, hay một con sao. Hoặc ít ra cũng có chồn hay thỏ.
Quả như nó nghĩ, đây là một khu rừng lý tưởng. Mặc dù sau khi nó đến không lâu, bầy voi đã bỏ đi. Voi sống thành bầy và di trú theo một hành trình nhất định. Năm sau bọn chúng lại về. Sau voi tới khỉ. Đàn khỉ bỏ đi vì có một con tình cờ trông thấy nó. Hôm đó là mùa Hè, nóng kinh khủng. Những ngọn gió khô từ Lào như muốn nung chín đá. Nó nhảy xuống con suối, dầm mình suốt cả ngày rồi ngủ quên. Một con khỉ trên cao trông thấy, thế là cả đàn hoảng loạn, chí chóe gọi nhau.
Khỉ đi rồi, nó cũng bắt đầu nghĩ tới những chuyến đi xa. Và hơn thế nữa, nó muốn tìm một con cái. Đã đến lúc nó cảm thấy một thứ tình yêu thôi thúc như muốn đẩy nó đi vào một thế giới bí hiểm. Giòng máu của nó phải được lưu truyền. Không phải tự nhiên mà những ngày này nó đâm nhớ thời thơ ấu. Những kỷ niệm cũ lại trôi về, cái thời bốn anh em nhà nó lẩn quẩn bên mẹ. Mấy anh em cùng tập săn bắt và vồ mồi. Thời gian mới đó mà,… Bây giờ chúng như mây trời tản lạc. Bấc giác nó ngó lên trời. Mây vần vũ như muốn sa xuống ngọn rừng. Trời gầm. Sấm chớp lóe. Cả bầu trời rung chuyển. Rồi mưa. Nước trút như thác đổ. Nó rút vào hang, dúi đầu nghe mưa. Ngày mai, khi bình minh trở lại, rừng như mới tắm gội. Một màu lá mới nhởn nhơ. Rừng đã thay da.
Lọt vô địa phận Lào, vượt qua một cánh rừng dầy nó đến bản Nậm Hu. Đây là một cái bản nhỏ nằm giữa rừng, bìa giáp với một con đường liên tỉnh heo hút. Vậy mà chính nơi đây nó được gặp đồng loại. Một chiếc xe tải dừng lại, ghé vào bản. Linh tính hay linh khí làm chúng ngửi thấy nhau. Nó băng qua đường, đi vòng quanh xe, rồi cấu vuốt chân vào giật phăng tấm bạt. Trên xe, hai con hổ đang loay hoay trong hai cái cũi sắt cúi xuống ngoạm ngoạm vào cái khung. Nó cũng chồm lên chộp lấy những thanh sắt để cắn. Nhưng nhanh chóng chúng cùng nhận ra, mọi cố gắng đều vô vọng. Hai con hổ trong cũi nhìn nó bằng ánh mắt tuyệt vọng. Còn nó cứ hăm hở, cố tìm cách lôi cái cũi ngã xuống. “Còn nước, còn tát”, chắc nó nghĩ thế. Đột nhiên, một con trong cũi gầm lên, rồi con kia cũng gầm theo. Có lẽ chúng muốn xua đuổi nó tránh xa vùng tai họa.
Nó chạy về rừng trước khi người tài xế quay lại. Đứng trong một tán lá thấp quan sát, nó có thể xông ra, chộp và xé tên này trong nháy mắt. Sau đó, có thời gian sẽ kiếm cách phá cũi sau. Nhưng mà, nó cũng không hiểu, giữa thời khắc quan trọng đó, tự nhiên bốn chân nó như dính trong đá. Nó chỉ bất lực đưa mắt nhìn theo khi chiếc xe tải xa dần.
Nó trở về. Nhưng bước đi không còn hăm hở nữa. Tâm trí nó cũng đang đuổi theo chiếc xe tải. Không biết họ chở hai con cọp kia đi đâu? Lòng nó ngổn ngang. Hèn chi, suốt từ Bắc vô Nam, trèo núi băng rừng mà không hề thấy dấu vết của bất cứ một con cọp nào. Giống cọp đang bị truy tận, giết tuyệt. Chúng đang đi trên con đường tuyệt chủng. Vậy mà, con người vẫn tự hào là giống sinh vật thượng đẳng có văn hóa đi bảo vệ muôn loài. Nó biết, ngay cả khi người ta thành lập những trung tâm gầy giống nuôi hổ thực chất cũng chính là hợp thức việc mua bán để chế tạo nhiều loại thuốc. Người ta tin dùng Cao Hổ Cốt, Ngũ Hổ Quần Dương thì sẽ mạnh như hổ. Thật nực cười. Nó khịt khịt mũi mấy cái như nhạo báng một điều không tưởng. Chưa có ai chứng minh được điều này. Mà nó cả quyết, loài người dù có một bộ xương như xương cọp đi nữa cũng không bao giờ có được sức mạnh như nó. Huống chi Cao của họ có thể là Cao Chó, Cao Mèo,… Khi đã nấu thành Cao thì không còn nhìn thấy cái “mắt phượng” nằm giữa những ngón xương chân, lúc đó ai mà biết xương nào là xương nào. Chính nó, nó cũng chưa từng nhìn thấy được xương của mình.
Lủi thủi một mình trên đường về cái hang cũ, mấy lần nó ngoái nhìn lại phía sau. Bóng rừng trơ trụi. Lối mòn của thú đầy những hơi hướm lạ. Mùi thịt tươi và những hơi thở như còn rơi rớt lại trên cành lá. Nó đi chậm lại, cảnh giác những bẫy rập giăng đặt đâu đây. Đêm xuống, tiếng côn trùng rả rích than van. Có tiếng một con nai lạc mẹ kêu thảm thiết. Nó rùn mình xuống, chui dưới đám lá. Bóng con nai nhỏ vừa nhô lên, hơi thở hổn hển. Có lẽ, con vật đang hốt hoảng vì sợ hãi. Nó ngắm con mồi một hồi lâu rồi bỏ đi. Nó không săn khi không đói. Cũng không giết để chơi. Nó hiểu rất rõ, mọi sự giết tróc giữa thú rừng đều là sự lựa chọn sống chết cho mình.
Tới sáng, nó về tới cửa hang. Mới mấy ngày, cái hang lạ hẳn. Có thể có một loài thú nào đã bước vô đây. Nó nhìn quanh quất, không thấy gì khác. Nó yên trí đánh một giấc lấy lại sức sau một chuyến đi xa.
Khi nó tỉnh dậy, mặt trời đã đứng bóng. Mùa khô, những luồng gió rạt hơi lửa. Trời nóng ran. Không khí đặc quánh. Nó lững thững ra ngoài, lần xuống con suối. Tiếng suối róc rách. Hơi nước mát lạnh phà lên mặt làm nó tỉnh hẳn. Nó nhúng chân xuống nước, đạp phải một viên đá nhỏ, trật bước. Thân mình của nó đổ sập, bổ nhào xuống nước. Trước khi nhắm mắt, nó vẫn nhớ tai còn nghe một tiếng “phập”, đau nhói tận bên hông. Rồi nó chìm vào giấc ngủ, sâu và lâu nhất trong đời.
Khi nó tỉnh lại, điều đầu tiên nó nghĩ, phải chi nó chưa từng tỉnh lại. Một phát súng tranquilize4 không đủ làm nó chết. Nó bị bắt sống, bị đưa qua nhiều chuồng trại, đi nhiều nơi, gặp rất nhiều người. Ban đầu nó còn lồng lộn, gầm thét, cào cấu tưởng như có thể xé rách hay bẻ gãy cái cũi sắt. Nó thề, chỉ cần thoát được dù trong một phút ngắn ngủi, nó sẽ nhào tới cắn cổ bọn ác nhân, không chừa một mạng. Nhưng rồi chưa tìm ra một cơ hội nào thì nó đã bị đưa vào Vườn Bách Thú. Ở đó, người ta đẩy nó vào chuồng sắt cao to, ba mặt kín, một mặt hở rào kín bằng hai lớp song sắt. Giữa chuồng có ngọn giả sơn nhỏ, nước rỉ rả chảy ra từ những khe đá, một dúm cỏ xanh, mấy nhánh dây leo quấn sơ lưng chừng trên nóc chuồng. Ở đây, nó gặp một con cọp già. Trong lúc nó đi lại, tới lui, đo đạc cái chuồng, thò chân thử ra ngoài song sắt, ngắm nghía ngọn giả sơn hay quơ quào bứt mấy dúm cỏ thì con cọp già vẫn nằm yên, đầu gác lên hai chân trước, hai chân sau xoãi ra, mắt diu díu ngó về phía nó. Nó quanh đi quẩn lại một hồi lâu rồi lại gần, đá chân khều cọp già. Đá mấy cái, cọp già vẫn nằm yên bất động. Hình như cọp già hết hơi hoặc gần chết.
“Này, này… Bác có sao không?” Nó lay lay cọp già.
“Câm miệng ngay.” Con cọp già gầm gừ nho nhỏ, “Chú mày cứ om sòm, chúng tưởng ta sắp đánh nhau nên kéo tới đông nghịt bây giờ.”
Ngạc nhiên, nó định hỏi, chúng là ai. Nhưng vừa quay ra sau lưng nó chợt hiểu. Một đám đông đang vây kín chuồng cọp, mấy trăm cặp mắt người ta đang đổ dồn về nó.
“Nằm xuống ngay.” Cọp già nói ư ử trong miệng như sợ ai nghe. “Này, giả ngủ đi.”
Nó vâng lời, nằm xuống duỗi thẳng cẳng, không nhúc nhích. Quả như lời bác cọp, chẳng mấy chốc đám đông tản dần.
Bị coi ngó thật khó chịu, nhất là ngày nào cũng có cả trăm, cả ngàn cặp mắt chăm chăm quan sát từng cử động nhỏ. Nó cảm thấy bị tù túng trong mọi cử động. Muốn tránh, nó và bác cọp phải giả ngủ hay giả chết, hạn chế tối đa mọi cử động. Bác cọp nói, loài người không có kiên nhẫn như loài thú. Khách đứng xem không thấy chúng động tĩnh chi sẽ mau chán và bỏ đi. Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên trong sở thú.
Buổi tối hôm đó là một buổi tối sầu thảm. Nó nằm nghe tiếng muôn thú kêu gào. Tiếng voi ré thảm thiết ở đầu vườn. Tiếng vượn hú nghe não nuột. Tiếng sư tử phẫn nộ rống từng hồi. Trong khi tất cả muôn thú lên tiếng, chỉ có nó và bác cọp im lìm. Cọp không biết than khóc. Nó chỉ gầm khi giận dữ và những lúc tử chiến. Bây giờ, gầm ai nghe?
Đêm tù đày dài vô tận. Để giết thời giờ, nó thử phóng mình từ bên này tới bên kia, nhưng chiều dài cái chuồng quá ngắn, chỉ phóng một bước là cùng. Phóng qua phóng lại tới chán, nó bắt đầu nhảy lên chụp mấy ngọn dây leo thả lưng chừng trên nóc chuồng. Một chút sau nó và bác cọp vờn bắt nhau quanh ngọn giả sơn. Bác cọp già nói, đây là cách vận động cơ thể mà không ai dòm ngó. Nghe tới đây, mắt nó lóe lên một tia hy vọng.
“Phải, phải. Chúng ta cần vận động để lấy sức.” Nó hăm hở nói.
“Lấy sức để làm gì?” Cọp già hỏi. Rồi không cần nó trả lời, cọp già nhìn nó với ánh mắt lười biếng, “Vận động nhiều để ban ngày ngủ cho yên giấc.”
“Chỉ để ngủ thôi ư? Không đâu.” Nó ngoác mồm ngáp, khi có dịp chuyển chuồng hay di chuyển nơi khác, thế nào cũng có dịp nó sẽ xông ra xé xác lũ độc ác kia rửa hận.
“Này, mày đã vô đây là hết đường. Không có con cọp nào vô đây mà ra được. Nơi này là chỗ an nghĩ cuối cùng của chúng ta thôi.” Cọp già tuyệt vọng, mặt nó rũ xuống, hơi thở bỗng trở nên nặng nề.
“Hừm. Không lẽ cuộc đời của chúng ta bây giờ chỉ có ăn và ngủ?” Nó bất mãn ra mặt. “Nếu chỉ có vậy, chúng ta sống để làm trò tiêu khiển cho loài người ư?”
“Không, sống là để tồn tại. Mày có biết chúng ta đang đi trên con đường tuyệt chủng không? Tao không muốn là con cọp cuối cùng trên trái đất này.”
Nó chợt nhớ hai con cọp trong cũi trên chiếc xe tải hôm nào. Không ngờ kể cho bác cọp, bác tỏ ý khinh rẻ.
“Cọp nuôi đấy.” Bác nói, bây giờ lấy danh nghĩa bảo vệ cọp, người ta lập ra các trại nuôi. Họ nhân giống cọp. Cọp đẻ và được nuôi trong trại tới lớn. Họ bán cọp nấu Cao, nấu thuốc, bán cả da và thịt. Họ nuôi cọp như nuôi heo, nuôi bò. Cọp lớn trong chuồng không có sức mạnh và khả năng săn bắt như cọp rừng. Nó chỉ là một loại mèo lớn, hay chết yểu.
Nghe tới đây, nó phẫn uất, “Thật xấu hổ. Không lẽ chúa sơn lâm mà bây giờ trở thành một thứ gia súc ư?”
Để tránh làm trò tiêu khiển cho loài người, ban đêm nó chạy nhảy leo trèo, ban ngày nằm ngủ suốt. Khi nào không ngủ được nữa thì nó ngồi ngây ra như một con cọp giả. Nó nghiệm ra, luyện được cách ngồi bất động, mắt không chớp cũng là một thứ công phu tuyệt kỹ. Du khách đứng xem một hồi lâu chán, có người bực dọc buột miệng chửi,
“Đồ cọp ngu.”
“Con cọp què.”
Mấy đứa trẻ nghịch ngợm lấy đá chọi. Nó cũng trơ trơ.
“Chắc không phải cọp thật.” Có người lại nói, “Cả tiếng đồng hồ rồi mà có thấy nó nhúc nhích đâu?”
Càng nghe chửi, nó càng khoái. Làm cho con người thất vọng, ít ra đó cũng là một sự “trả tay”.
Người coi nó, nó cũng coi người. Khi nhìn ngắm con người, trí óc nó thường nhổ phăng lớp hàng rào đi. Nó khoái những cảm giác khi chỉ có nó và những con người trơ trọi lại đối diện nhau.
Mỗi sáng, người ta quẳng thịt vào. Thịt bò đã sậm. Thứ này không được tươi lắm, có thể do cất từ hôm qua. Nó nhìn miếng thịt ngán ngẩm. Nó nhớ những con gà rừng khi bị chộp còn kêu quang quác. Những con nai, con hoẵng run rẫy dưới móng vuốt của nó. Nó cảm nhận máu con vật rần rật chảy… và tim chúng nó đập thình thịch liên hồi. Ôi, những món ngon bây giờ chỉ còn trong hồi tưởng. Bất giác, nó ngoãi đầu, liếm mép.
“Ăn đi.” Bác cọp già kêu, “Đừng chê khen gì nữa.” Bác chậm rãi nói tiếp, “Có ăn đã là quý rồi.”
“Thịt cũ, thịt thiu mà quý gì?”
“Ậy, tao nghe nói ngày xưa họ còn cho mình ăn rau nữa đấy.”
“Ăn rau? Ối trời ơi! Cọp ăn rau?” Nó kinh ngạc quá đỗi. Không tin vào tai của mình, nó hỏi lại, “Họ cho bác ăn rau ư?”
“Không. Không phải tao.” Bác cọp nói, “Đó là câu chuyện tao được nghe kể lại khi mới vào đây.”
Thấy nó chăm chú nghe, bác kể, chuyện xảy ra vào thời khi họ mới vào. Có lần, phái đoàn các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em tới thăm, do đồng chí lãnh tụ Fidel Castro của Cuba đi đầu tới thăm Sở Thú. Khi đứng trước chuồng cọp, chứng kiến thấy một con cọp đang ăn rau, đồng chí cất tiếng thán phục, “Tiến bộ, tiến bộ quá. Không ngờ cọp của nước cộng hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng biết giác ngộ trước tình hình cách mạng như thế.” Bất ngờ, cọp nghe thấy thế bực mình gắt, ‘Giác ngộ cái gì? Bây giờ, đến cứt cũng bị nhà nước quản lý, không ăn rau thì chết đói à?”
Nó ngẩn người, “Thế sao bây giờ người ta lại cho mình ăn thịt?”
“Bây giờ là thời đổi mới. Vả lại, Sở Thú cũng kiếm ra tiền. Chú mày không thấy du khách nườm nượp đó sao?”
Ngẫm nghĩ một hồi, bác cọp già lại bảo, “Cứ một miếng thịt quẳng vào đây là phân nửa phần của mày còn ở ngoài đấy.”
Khi nó bắt đầu ngoạm miếng thịt, bác cọp già ngăn lại, “Khoan, phải ngửi trước xem có mùi lạ không đã. Phải cảnh giác những thứ bị đánh độc.”
“Họ thuốc chúng ta để làm gì?”
“ Cái chết vì bệnh là một cái chết hợp pháp. Người ta có thể đem mày đi nấu Cao đấy.”
Mãi sau này, nó nghiệm ra, sống trong chuồng nhưng nguy hiểm vẫn cứ rình rập. Sự nhiễm độc do ăn uống không đáng sợ bằng sự nhiễm độc trong tinh thần. Nó nhận ra được điều này sau cái chết của bác cọp già. Chỉ mấy ngày trước đây, bác cọp ăn rất khỏe, nhiều khi còn “chén” thêm phần nó. Nhưng hai hôm sau, bác yếu dần, yếu dần. Ban đêm, mắt không còn đỏ. Đôi mắt như hai ánh đèn lu mờ rồi tắt hẳn. Trước khi trút hơi, cọp già căn dặn, nếu có cơ hội hãy trốn về rừng. Trả thù, rửa hận gì đó… cũng chỉ là tự mắc vô một cái vòng lẩn quẩn khác. Bác cọp nhìn về phần thịt còn đang ăn dở, “Trong thịt có độc, chớ ăn.” Thì ra, bác cọp già đã tự quyết định số phận của mình. Bác đã mãn nguyện, bác không phải là con cọp cuối cùng trên trái đất.
Sau khi cái chết của cọp già, nó không còn chạy nhảy leo trèo. Nó nằm im như đá, nhìn trời đất và nghe sự tĩnh mịch của đêm đen. Nó nghĩ về cái chết, không chỉ là cái chết của cọp già, mà của cả giống cọp trên đời. Chúng nó đang đi trên con đường tuyệt chủng. Ai sẽ là con cọp cuối cùng trên trái đất? Mà cái cuối cùng hay cái đầu tiên thì có gì quan trọng. Không có ai nhớ con khủng long đầu tiên và con cuối cùng. Người ta chỉ dựng hình chúng bằng những khúc xương hóa thạch rải rác khắp nơi, để chứng minh khủng long đã từng có mặt trên trái đất này. Vậy còn cọp, ai sẽ dựng hình dạng khi chúng chết chẳng còn xương?
Mãi về sau, nó hình như quên đi cái thân phận của chính mình. Nó bắt đầu nghĩ tới số phận của muôn loài. Ba con voi ở đầu vườn với sáu sợi xiềng, quanh đi quẩn lại cả đời trong bốn thước vuông. Mười con khỉ chuyền chung một cành cây. Một con gấu lò dò dưới một cái hố khô to hơn miệng giếng. Nửa tá cá sấu lớn nhỏ cùng bơi chung trong một cái rãnh cạn xìu…
Mùa mưa tới. Khách vãng lai thưa dần. Những đêm mưa rả rích, muôn thú yên giấc. Nó nằm im nhớ tiếng mưa trong rừng. Tâm trí đắm chìm trong ký ức. Mắt nó thấy những giọt mưa từ trời đang búng mình trên lá. Những cổ thụ đang nứt vỏ để đón chờ một ngàn năm tới nữa. Những cánh hoa ban nở trắng đầy trời, ngườm ngợp hương đêm.
Khi trí nhớ về ngang con suối nhỏ, mưa đã tạnh tự lúc nào. Trăng lồng lộng sáng. Nó nhìn xuống mặt nước tìm bóng mình. Nó không thấy nó. Nhưng trăng sao và cả bầu trời đang vằng vặc dưới nước. Nó đưa chân khua nhẹ, nước gẫy khúc, trăng sao tan. Nhưng trong khoảnh khắc, trăng sao lại lành lặn hiện về.
Quá khuya, khi trăng đã ngả về Tây, bóng núi in xuống đất. Nó lững thững đi lên con dốc về đến cái hang xưa. Con dốc ngập xác lá. Trước cửa hang, vài nhánh cây khô nhô ra từ kẽ núi. Một nấm mộ của ai nằm chắn lối đi. Không về thăm được cái hang xưa, nó tần ngần đứng lại rất lâu.
Đôi khi những giọt mưa trên đầu ngọn lá bóng nắng bên thềm hòn đá, và những bông hoa dại mặt trăng treo đầu ngọn khô một nấm mộ- không phải mộ nó bên cạnh gốc sồi già ôi! nhớ… nhưng không nhớ cái thuở nào có mặt ở trần gian.5


Tháng 6/2010


Nguyen Thi Thao An




Chú thích
1. Thơ Nguyễn Quang Bích
2. Thơ Tản Đà
3. Tháng 12/2007, Zhenglong Zhou, một nông dân 53 tuổi, ở Zhenping( Nam Trung Quốc), đã dùng Photoshop để ngụy tạo một bức hình hổ để lãnh thưởng. Cùng bị truy tố với Zhenglong còn có một số quan chức trong tỉnh và các chuyên viên thẩm định xác định bức hình của Zhenglong Zhou cũng bị sa thải vì thiếu trách nhiệm.
4. Tranquilizer: súng gây mê.
5. Thơ T.A

No comments: