Friday, March 5, 2010

Cố Hương, 35 Năm Sau


Phạm Hoàng Chương nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông nhân dịp 35 năm Ngày Miền Nam sụp đổ 1975-2010.

1975
Ăn tết xong, khoảng tháng hai, tháng ba, cả trường Duy Tân tôi dạy xôn xao tin Việt cộng đánh chiếm Kontum, Pleiku, rồi Ban mê thuột, địch lăm le chuẩn bị tràn xuống Nhatrang... Anh Lực mới lên nắm chức Tân hiệu trưởng được mấy tuần, không dấu nỗi vẻ rầu rĩ lo âu. Tiệm sách tôi chưa bao giờ bán báo đắt như lúc ấy, mới 10 giờ sáng đã sạch nhẵn không còn tờ nào. Cả thành phố Phanrang dân chúng nhốn nháo với những tin đồn rúng động chết người: Mỹ bỏ VN, Thiệu Kỳ bỏ chạy, VC sắp chiếm miền Nam...

Mới hồi đầu năm, vô số sâu bọ trên rừng hàng hàng lớp lớp đua nhau lúc nhúc tản cư bò xuống biển, băng qua đường quốc lộ bị xe cán chết hết lớp này tới lớp khác, dân đã hoang mang không biết điềm gì, kế đến hòn Đá Dao cao mười mấy thước trên núi Đá Chồng, quê ông Thiệu, tự dưng sụp lăn ra đât, để mặc cho hòn Mặt Quỷ (tượng trưng cho Cọng Sản) bên kia làng Dư khánh ngạo nghễ khinh khỉnh nhìn qua. Người nói Mỹ bỏ rơi Việt Nam, ông Thiệu giao miền Trung và cao nguyên cho Việt cộïng, rút về giữ Saigon. Kẻ nói ông Thiệu bằng mọi giá giữ lại từ Ninh thuận trở vô Nam, vì Ninh thuận là quê hương của ổng, mồ mả ông bà còn chôn ở đó.

Qua đầu tháng Tư thì tin tức từng ngày càng lúc càng sôi động. Sư đoàn 1 tan hàng. Dân chúng Huế hoảng hốt bỏ nhà chạy vào Đà nẵng. Việt cộng chiếm Huế trong vòng một ngày, rồi hai ngày sau, nghe đài BBC nói Đà nẵng thất thủ luôn. Một ngày sau, Quảng Nam mất. Sợ  bom đạn, pháo kích, tôi cho vợ bế con nhỏ chạy trước ra đảo Cam ranh, ở nhà ông bà nhạc cho an toàn. Người ta kháo nhau về đội quân vùng 1 vùng 2 tan hàng bỏ ngũ  từ Huế tơi tả chạy, dân chúng bỏ nhà bỏ cửa, bồng bế chạy theo lính vào Nam, dọc đường cướp bóc hãm hiếp chết chóc xảy ra nhan nhản. Việt Cọng hầu như mỗi ngày chiếm lấy một tỉnh, quân đội bên ta chưa đánh đã chạy, cởi bỏ quân phục chạy trước cả dân. Cuối tháng 3, Qui nhơn, Tuy hòa mất. Tôi hoảng quá. Tiệm sách còn đầy hàng hóa sách vở, phân vân không biết nên giao nhà cho con bé giúp việc liều bỏ chạy vô Saigon hay ở lại giữ của. Sáng ngày 1 tháng 4, anh bạn kỹ sư ở nhà đối diện chạy qua đập cửa nhà tôi hốt hoảng:

-Anh Chương ơi, cả thành phố người ta bỏ chạy rồi. Nghe nói đại tá Tự, tỉnh trưởng Ninh thuận bỏ trốn vô Phan thiết. Mình phải đi gấp chứ không kịp nữa. Loạn lạc chết chóc tới nơi...

Thế là tôi không còn đắn đo suy nghĩ nữa, gói 50 ngàn bạc nhét dưới chân, mang giầy vô, cầm cái xắc tay đựng một hai bộ đồ và ít đồ quí, giao chìa khóa nhà cho con nhỏ người làm, xách Honda chở Chính vô Phan thiết, không kịp ghé nhà má báo tin. Chính nói ở Saigon, nhiều nhà giàu biết tin sắp mất nước, đã lên tàu rời khỏi VN ra khơi, có tàu Mỹ đón. Dọc đường vô Phan thiết, hai đứa gặp vô số dân quân tản cư, những kho xăng, tiệm thuốc tây bị cướp phá, xe cộ hết xăng bỏ lăn lóc dọc đường, những xác chết khẳng khiu ở bờ sông. Vừa tới Phan thiết thì thành phố bị pháo kích ầm ầm, cuống cuồng xách xe chạy trốn chui trốn nhủi. Đường bộ vô Saigon bị chận vì hai bên giao tranh, đánh nhau ở đâu trong Xuân lộc, đường thủy thì ghe thuyền đầy lính tráng hung dữ, lăm lăm súng ống giành nhau cướp để vô Vũng tàu sớm, bắn nhau chéo chéo, không cho dân lên.  Tôi và Chính đành phải xách xe trở về Phanrang, hai bên đường im lìm vắng ngắt thấy sợ.

Tiểu khu Ninh thuận lúc đó đã bỏ ngỏ, tàn quân và dân chúng xông vào kho cướp súng đạn uy hiếp các tiệm buôn  trong phố. Thành phố tan hoang, xơ xác. Hiệu buôn quần áo tơ lụa lớn của mẹ tôi bị bắn vỡ các tủ kính loảng xoảng, dân cả trăm người kéo nhau vô nhà hôi của ào ào. Tôi ở Phan thiết về thì mọi sự đã xong, má đứng trước nhà dang tay phân trần, mếu máo khóc.

Ngày 2 tháng tư, VC khựng lại ở Camranh. địch và ta giao tranh nhau ở Ba ngòi dằng co nhiều ngày. Chắc ông Thiệu ra lệnh cho giữ Ninh thuận bằng mọi giá, nên lính Ninh thuận liều chết chiến đấu rất hăng. Tiệm sách tôi may mắn còn nguyên, không ai thèm cướp sách. Tôi thở dài nằm nhà, phó mặc cho số mệnh. Thôi, ai sao mình vậy, con người có số, chỉ biết thầm cầu nguyện Ơn Trên. Lúc đó lại có tin đồn VC chiếm xong miền Nam sẽ thủ tiêu 1 triệu công chức quân nhân VNCH, như họ đã từng làm ở Huế Tết Mậu thân. Cầu cơ cố thi sĩ Hàn Mạc Tử xuống xin cứu giúp, chú Hàn khuyên mọi người ai ở đâu, cứ ở yên đó, đừng vọng động chạy tới chạy lui mà nguy hiểm, đây là Cộïng nghiệp, mọi sự ở Trên đã an bài đâu vào đó cả rồi.

 Ngày 5 tây, dân Đalạt kéo nhau xe cộ đủ loại ồ ạt tản cư xuống Phanrang, mang theo rau quả hái non, hàng hóa, gia súc, của cải, tài sản, trải chiếu nằm bừa bãi ngoài đường phố.  Người ta bày bán tống tháo ngoài đường  từng đống bông cải trắng , cà rốt, rau cải nhổ vội trên Đalạt xuống, vót vét được đồng nào hay đồng nấy để còn tiếp tục chạy vô Saigon, nếu như Camranh thất thủ. Một chủ tiệm sách vô tiệm tôi năn nỉ xin mua giùm cho một xe hơi đầy nhóc vở tập 100 trang mới tinh từ trên Dalat chở xuống với giá rẽ mạt, để rảnh tay chạy tiếp vô Saigon. Tôi tiếc rẽ lắc đầu. Thân tôi còn chưa biết chết sống thế nào, tiệm tôi còn chưa biết có được an toàn không, nắm tiền đi liền khúc ruột, lúc này phải lo thủ, tiền đâu mà mua trữ vở tập cho mùa thu nhập học tới. Sau đó mấy ngày thì nghe bên ta phi đoàn đánh sập cầu Tân Mỹ để chận VC trên Đalạt xuống.

Nhưng rồi sau cùng, Camranh cũng thất thủ sau 15 ngày cầm cự anh dũng, xe tăng với lính bộ đội VC trẻ măng, đội nón tai bèo, ngơ ngác tiến vào thành phố. Giáo chức tụi tôi nhận tháng lương cuối kể từ ngày đó, ngoan ngoãn theo lệnh đi học tập chính trị mỗi ngày để giảng dạy lại cho học sinh. Tôi sống trong phập phồng lo lắng cho đến tháng 8 thì cùng với tất cả các giáo sư biệt phái khác được lệnh đi học cải tạo ở Sông Mao, cùng với nhiều thành phần quân dân cán chính khác.

1976-1985
Tết năm đó, trong tù, tôi được mẹ và vợ vô thăm nuôi, báo tin đổi tiền 500 cũ ăn một đồng tiền mới, nhiều nhà giàu ở Saigon thất điên bát đảo, có người nhảy lầu tự tử. Đúng một năm sau, được phóng thích về với gia đình, tôi theo đúng phương châm "Lao động là vinh quang", "Tư bản là bóc lột" học trong trại, dẹp bỏ mua bán, hai vợ chồng kéo nhau ra lò gạch Nhơn Hòa ông Hai Lô làm công nhân để tỏ ra "giác ngộ", được sớm trả "quyền công dân". Nghe tin một số bà con ở Saigon bỏ nước đi từ 30 tháng tư qua Mỹ, vài người bạn cũ vượt biên thành công. Nghe như chuyện cổ tích, không bao giờ dám nghĩ mình có đủ can đảm và điều kiện bỏ nước ra đi an toàn như họ.

Cờ Mặt trận giải phóng miền Nam và bài quốc ca của họ xuất hiện mấy tháng rồi tự nhiên biến mất, chỉ còn lại bài quốc ca và cờ đỏ sao vàng miền Bắc. Trong năm 76 , nhà cửa tài sản của "ngụy quân" cấp bậc đại úy trở lên, các thành phần có "nợ máu" với nhân dân, các nhà giàu bỏ chạy đều bị tịch thu, phân phát cho cán bộ ngoài Bắc vô ở. Mẹ tôi giữ 6 cái nhà cho thuê giùm bà cô họ tôi ngoài Bắc 21 năm nay bị Ủy ban quân quản tịch thu hết cho cán bộ cao cấp ở, cô chú tôi là đảng viên chạy vào làm đơn xin xỏ mãi không được, chán nản bỏ về Bắc lại.

Rồi đăng ký hộ khẩu. Dân chúng phải khai báo tài sản, từ cái radio, xe Honda, cho đến vàng bạc cất trữ.  Ai ở xa tới tạm trú phải ra đồn khai báo công an. Muốn ra khỏi tỉnh phải làm đơn xin phép. Xe hàng đói meo vì không ai dám đi khỏi tỉnh, trừ mấy tay buôn chuyến biết cách hối lộ cho công an giao thông. Từ thời Pháp thuộc tới giờ, làm gì có chuyện  ngăn sông cấm chợ lạ lùng như vậy, ai nấy gặp nhau cũng xầm xì bất mãn. Nhiều gia đình công chức quân nhân chế độ cũ thất nghiệp đói nhăn răng, sống vất va vất vưởng, bị lùa đi kinh tế mới, lên rừng thiêng nước độc, bịnh tật không có thuốc men, chết nhiều lắm.

Thấy dân còn nhiều người giàu, qua năm 77, nhà nước lại cho đổi tiền một lần nữa, để dễ cai trị hơn. Dân đói, còn hơi sức đâu mà chống đối, cái bao tử phải lệ thuộc tem phiếu nhà nước thì làm sao mà bướng bỉnh được....Nghe nói nhiều người dại dột bồng bột tham gia các phong trào phục quốc cò mồi, bị tóm bỏ tù chung thân. Thành phố đầy dẫy những bộ xương biết đi, quần áo cũ rách, những con người còm cõi đạp xe, cầm cuốc, mặt mày buồn bã khô khan vô vọng. Thiên hạ bị bắt đi làm thủy lợi một năm 30 ngày, ai có tiền thì cho mướn người đi thế. Đàn bà con đông, chồng đi cải tạo, có người khóc mong sao cho Trời sập chết hết cho rồi, sống chi mà khổ như con chó. Có một dạo, trong nhà nhìn ra đường thấy nhiều chuyến xe bịt bùng nhốt lính ngụy học cải tạo chạy qua, đâu như dời trại tù, hay di chuyển tù ra Bắc, dân chúng kéo ra đứng coi hai bên đường, xầm xì thương xót, có nhiều người mua bánh trái chạy tới, lấm lét canh chừng bộ đội, dúi nhét quà, tiền vào tay người tù. Năm 79 lại có nhiều đoàn xe tăng thiết giáp của Nga ngày đêm từ trong Nam chạy ra Bắc, nhiều xe tải chở lính bộ đội trang bị súng ống, mặt mày nghiêm trọng. Có người rỉ tai VC đang đánh nhau với Trung quốc ở Lạng Sơn, Lào Cai. Có người rành hơn, nói Lê Duẩn phủi ơn Tàu viện trợ vũ khí đánh Mỹ lúc trước, chạy theo Nga, nên Tàu "dạy cho một bài học". Nghe nói hai bên đều chết ngang nhau, nhiều tỉnh phía Bắc bị cướp phá tan hoang. Người quen gặp nhau tâm sự mong cho Tàu thắng để Lực lượng phục quốc thừa cơ nổi lên đánh giành lại miền Nam. Nghe đồn có nhiều tù nhân "ngụy" được Tàu giải phóng khỏi trại tù, mang về Tàu thả cho tự do đi, Mỹ bốc qua Mỹ.... Trước 75 tôi có đứa học trò là con ông Khu trưởng khu phố tôi ở, nên ông tin cậy giao cho làm Tổ phó nhân dân, dẫn dân đi làm thủy lợi, chỉ huy dân phường Kinh Dinh tranh đua với các phường khác đắp đập, đắp đê trên mạn Sông Pha, được bằng khen hạng nhất.  Nhờ vậy mà "được" đi cùng với công an khu vực nửa đêm tới nhà mấy người xay cà phê lậu trong xóm, lập biên bản, ký tên. Được đi họp với chức sắc. Lại nằm trong Ban giảng dạy các lớp Bình dân ban đêm, được miễn đi thủy lợi. Môt tuần vài ba đêm, khu trưởng khu phó chọn nhà một người nào đó, cho người tới từng nhà bắt dân trong phố phải "đi họp", tới ngồi chồm hổm bên rãnh cống hôi, muỗi cắn lia chia, chịu trận nghe lải nhải những điều ở trên đưa xuống đến phát ngấy, dân ngáp lên ngáp xuống, không ai buồn dơ tay phát biểu ý kiến. Chính quyền gài "ăng ten" vô trong dân, đủ mọi thành phần, trường học, chợ búa, công nhân...để thu lượm tin tức chống đối, phản động. Lại có nạn mấy bà phụ nữ thợ thuyền dốt nát được đưa lên nắm chút quyền hành, hống hách hạnh họe dân lành trong xóm phường, rình rập báo cáo lấy điểm, hù dọa bắt đi kinh tế mới, ôi thôi người dân mang đủ thứ tròng vô cổ, kêu Trời không thấu.

Thời đó như thời các nước Âu châu bị Đức quốc xã chiếm đóng, dân chúng nghi kỵ nhau, ai giàu có ăn sung mặc sướng coi như có tội, ra đường thấy mặt mấy người "cách mạng 30 tháng tư" lật đật cúi chào, sợ bị thù oán hãm hại. Quán xá đóng im ỉm, gánh xôi, hàng quà nhỏ xíu cũng bị công an xô đuổi, nhu yếu phẩm, đồ dùng, thức ăn khan hiếm, dân phải ăn độn bo bo, khoai sắn, bột mì.Tôi may còn 500 cuốn sách dạy vỡ lòng, dụng cụ học sinh, hàng hóa, lén lút bán lần ra ăn, bám lấy các ngành tổ hợp thợ mộc, điêu khắc, trồng thuốc Nam cho có công ăn việc làm che mắt công an, rồi túng cùng phải mua xích lô đạp trong thành phố sống qua ngày, chứ bên ngoài có biết bao gia đình bạn bè người quen  lăn lóc bữa đói bữa no, bần cùng thê thảm. Tôi còn may, có thằng em họ làm lớn ngoài Hànội vô thăm, dặn riêng tuyệt đối bất cứ giá nào cũng phải bám lấy thành phố mà sống, đừng đi kinh tế mới, đi kinh tế là mất hộ khẩu, là chết đói. Nó kể ngoài Bắc hồi 54 cũng làm vậy, nhưng họ chỉ rầm rộ làm dữ một thời gian rồi thôi. Ai nhẫn nhục khéo luồn lách thì sống, ai dại dột nóng nảy thì chết. Có lần nghe anh Dự, giáo viên cấp 2, dẫn vợ ba con vô lục tỉnh làm ăn không xong bỏ chạy về lại Phanrang, hết sạch tiền, được bạn cũ cho ở nhờ nhà bếp phía sau, chưa biết giúp đỡ cách nào cho anh thì ít hôm sau đã nghe anh bỏ thuốc độc vô chuối ép mấy đứa con ăn chết cho nhẹ gánh nợ, rồi hoảng sợ bỏ trốn mất, bỏ lại chị vợ kêu gào khóc lóc thảm thiết ở nhà thương, phường xã ém nhẹm cấm phổ biến tin thảm, sợ dân bức xúc.. Tôi sững sờ cả mấy tuần.

Rồi nghe tin gia đình tiệm buôn Quý Ký tổ chức vượt biên ở Ninh chữ, lọt được ra khơi, nhưng lại bị tàu Liên Xô vớt, đem về Vũng Tàu giao cho nhà nước, bị nhốt tù cả đám. Kế lại xảy ra vụ anh Trợ, hiệu trưởng tiểu học, tham gia Phục quốc nửa đêm công an vô nhà còng tay bắt đưa đi nhốt tù chung thân, chị vợ sau đó tuyệt vọng bỏ thuốc chuột vào nồi chè đầu độc lũ con 6 đứa, may mà hàng xóm tri hô cứu kịp. Những chuyện thương tâm như vậy nhiều lắm, suốt 8 năm dài còn kẹt ở Phanrang, tôi không làm sao nhớ hết....

Năm 79, 80, tự nhiên phong trào vượt biển từ Nam chí Bắc rầm rộ nổi lên một lượt với chính sách nhà nước cho người Hoa nộp vàng đi bán chính thức. Nghe tin Phòng, một người bạn, đi chết chìm ngoài biển, bỏ lại vợ 3 con. Nhà tôi hên, ba đứa em gái đi chui, lọt cả ba. Tôi có mấy chỗ quen rủ đi, nhưng thấy con gái mới sinh còn bé xíu, không nỡ, lo cho các em đi trước, lâu lâu nghe  người này người kia trong phố đi lọt, trong bụng nôn nao bần thần. Có lần đạp xích lô chở trúng khách từ Saigon ra Phanrang vựợt biên, khách rủ cho đi theo không, tôi biết chưa tới thời cơ, đều từ chối hết, an bần lạc đạo, nghiên cứu tử vi, kinh Phật. Kham khổ cúi đầu chịu đựng, bứt rau dền dại ở bờ bụi đem về luộc, tiện tặn mua tôm cá cặn cọt lúc chợ tan, mua khoai độn gạo, đem về cho vợ nấu nướng nuôi con qua ngày. Trong nhà có cái gì giá trị đem bán hết, chắt chiu mua từng chỉ vàng dấu cất, chỉ còn mỗi cái bàn giấy, cái tủ áo cao 2 mét bằng sắt mấy người thầu rác Sở Mỹ bán ra ngày xưa là còn đáng giá, còn lại toàn các mảnh gỗ ghép lại làm bàn tiếp khách, cái bàn tròn ọp ẹp sứt ốc làm bàn ăn, hai cái ghế bành rách da làm furniture. Để nhà cửa sơ sài đạm bạc như vậy cho công an thấy mình nghèo không nảy lòng tham, và có ra đi bỏ lại cũng không tiếc. Bọn công an khu vực cứ tự tiện thường xuyên vào nhà rình mò quan sát, hai mắt láo liên, có lúc nhìn chòng chọc vào mặt mình để dò xét tư tưởng thầm kín, tôi tức cười cứ thản nhiên tỉnh bơ mặc kệ. Một lần đưa người bạn ra bến xe về Saigon, thằng công an người dân tộc Tày tưởng bở, từ xa chạy xộc tới, quát hỏi: "Anh kia, đi đâu, có giấy tờ xin phép không?", tôi đủng đỉnh cười nhạt trả lời: "Đi đâu mà đi? Tiền đâu mà đi đâu? Tiễn bạn ra xe một chút thôi, có gì mà nhặng lên thế?" Nó bẽn lẽn đi mất.

 Lúc đó, đầu 1982, nhà nước thiếu tiền, nên ở Phường bắt đầu có chủ trương mới, cho dân buôn bán nhỏ để đánh thuế lấy tiền trả lương công chức. Thấy họ đang nhận đơn mấy người xin mua bán nhỏ, tôi xúi vợ đứng tên xin bán tạp hóa, may sao Trời thương, đơn được chấp thuận. Bán buôn được mấy tháng có chút tiền vô thì tôi lại bị Công an giao thông địa phương cấm đạp xích lô, lý do trí thức mà giả đò làm nghề "hạ tiện" bêu riếu chế độ, bèn bán rẽ xe, ở nhà phụ vợ giữ con bán hàng, bắt đầu để ý tìm mối ra đi. Họ bô bô nói "Lao động là vinh quang", mà lao động kiểu đạp xích lô thì lại bị cấm, đúng là cái lý của kẻ mạnh, muốn nói sao nói. Ở Saigon thiếu gì thày giáo bỏ nghề đạp xe, mạnh ai nấy sống, ai mà để ý tới, tỉnh nhỏ ít người thì "đầy tớ nhân dân" lại chiếu cố quá kỹ...Tổ trưởng, láng giềng, xích lô bạn, công an khu vực theo dõi dữ lắm, nhưng tôi lè phè tỉnh bơ, bỏ tiền mướn thợ hồ xây sửa nhà cửa, ra vô thong thả, không ai có thể ngờ được là mình đang mưu tính chuyện gì.

Thế rồi khi nhân duyên hội đủ đưa đến, tử vi mình có "Thân cư Di", số đi thì phải đi, cãi cũng không được. Có người thân tổ chức lo sẵn ghe, mình chỉ nhảy lên, đi theo. Mang theo đứa con trai đầu 10 tuổi, năm 1983. Bỏ lại 2 mẹ con. Thời buổi lúc đó không dám liều đi cả nhà được, chỉ đi 50/50, để  nếu có "bể " thì còn quay về nhà an toàn không ai biết.

1985-1995

Cuối năm 84, tôi đặt chân lên đất Mỹ tự do, sau hơn một năm ở trại Chimawan Hongkong và Bataan ở Phi. Ở đảo, liên lạc thư về nhà, mừng biết nhà không sao, công an chỉ tới nhà mắng nhiếc, gạch tên  2 cha con khỏi hộ khẩu, chứ vợ con không bị ép đi kinh tế mới. Chương trình thất bại thê thảm, nhiều người lên đó đói rách, lâm bệnh bỏ về thành phố lê la ở nhờ ở đậu, xin ăn đầy đường. Nhân dân ta thán khắp nơi, công an cán bộ cũng đói, làm bậy, ăn cắp tài sản nhà nước, bóc lột của dân, lai rai bị sa thải. Qua 85, đọc báo thấy bên Tàu đói nghèo thê thảm, Đặng tiểu Bình phải bắt chước Tây Phương, "đổi mới" kinh tế để sống còn, cho tư nhân buôn bán nhỏ và đảng viên kinh doanh để xả bớt căng thẳng. Tôi làm đơn bảo lãnh vợ con từ đầu 85, nhưng Việtnam và Mỹ lúc đó quan hệ còn nhiều gay cấn lắm nên hồ sơ nằm ỳ một chỗ. Hồi đó chưa có đường dây tư nhân gửi tiền về cho thân nhân ở VN, phải mua vải vóc, thuốc tây đóng thùng gửi về bưu điện địa phương cho gia đình ra nhận về, rồi bán lấy tiền chia nhau tiêu. Vợ ở nhà viết thư qua cho hay đã dẹp mua bán vì có quá nhiều người mở tiệm, giao con gửi bên bà nội, đi làm Hợp tác xã làm Xì dầu trên chùa Tỉnh hội ngày hai bữa cho yên thân. Một năm đi làm phải lo gửi tiền về cho vợ và mẹ ba bốn lần lấy tiền chi dụng.

Năm 87, nghe nói VN thấy Tàu đổi mới thành công, bắt chước chuyển qua kinh tế tư bản, nhưng vẫn tự ái không dám dùng danh từ "tư bản", để mặc cho dân chúng tự do buôn bán cá thể, không dùng điệp khúc "buôn bán là bóc lột" nữa. Việt nam phải đổi mới thôi, vì nếu không đổi mới thì chết, chết từ đảng viên cao cấp ở trên chết xuống thằng dân khố rách áo ôm bên dưới. Hợp tác xã bán gạo và nhu yếu phẩm đóng cửa. Hợp tác xã các ngành nghề thất bại, cũng lần lượt giải thể. Nhà nông được trả ruộng đất lại làm tư, đóng thuế. Thợ may, thợ mộc, thợ hồ trở lại làm chủ, tiệm buôn hai bên phố mọc ra như nấm, nhưng bên cạnh lối làm ăn cá thể bắt đóng thuế cho nhà nước, vẫn còn hệ thống quốc doanh "ăn hại đái nát" được nhà nước trợ cấp nuôi dưỡng song song. Lương nhà giáo, công nhân viên thấp quá không đủ sống, nhiều người bỏ làm nhà nước, tìm cách dạy tư, sữa chữa máy móc, chạy xe thồ, đi buôn ... Bác sĩ được quyền mở lại phòng mạch tư, dược sĩ mở tiệm thuốc riêng.  Hai vợ chồng em gái nhỏ tôi, giáo viên cấp 3, bỏ dạy, biến mặt tiền căn phố lớn mẹ tôi ở thành tiệm bán sửa đồ điện, radio, máy hát, quạt máy,Tivi, tủ lạnh. Ban đầu vốn ít, bán ít, sửa nhiều. Dần dần buôn bán phát đạt, thấy dân chúng có tiền đua nhau sắm sửa, xây nhà mới, xài toàn đồ điện trong nhà, sắm Tivi, tủ lạnh...phải mua nhiều đồ, khuếch trương lớn, mướn thêm thợ, nhận làm đại lý Samsung, có lúc thầu bắt điện cho cả một làng Chàm ở Như Ngọc. Mấy năm sau, mua thêm một căn phố nữa, mở tiệm chuyên sửa Tivi, máy hát và bán computer, qua 95 lại mua thêm ngôi nhà lầu mới cất, ở đường Trung tâm chạy xuống biển, bán computers cho công sở, cho theo kịp với thời đại Internet đang bắt đầu phổ biến rộng rãi toàn cầu.

Năm 89, như một phép lạ Trời cho, bức tường Bá Linh sụp đổ, kéo theo một loạt các nước Đông Âu nổi lên giành độc lập, khai tử hoàn toàn chế độ cộng sản. Cả một Đế quốc Xã hội chủ nghĩa Liên Xô xây dựng 70 năm, giết chết bao nhiêu triệu người dân oan uổng, sụp đổ tan tành trong một tháng, làm Trung quốc và chư hầu Việt nam mất chỗ tựa, kinh hoàng chới với suốt mấy năm liền. Ai cũng hy vọng vụ này làm nhà nước "mở mắt" ra, chuyển đổi qua thể chế dân chủ tự do như các nước Âu Mỹ cho dân nhờ, nhưng mà họ chỉ "đổi mới nửa vời", đổi mới kinh tế, chứ nhứt quyết không đổi mới chính trị. Chóp bu Đảng nhất định nắm giữ quyền hành, dùng bè lũ công an làm tay sai để cai trị kềm kẹp người dân. Quyền hành gắn liền với lợi lộc, làm chóa mắt con người vô thần duy vật dốt nát. Lòng tham con người không đáy, quyền hành tiền bạc quân đội đang ở trong tay, cờ tới tay ai người đó phất, dễ dầu gì mà nhả ra cho người khác ăn.

Cuối năm 90, sau 7 năm chờ đợi, bà xã mang con gái tôi sang Mỹ đoàn tụ. Vợ chồng, cha con, anh em ngỡ ngàng nhìn nhau mếu máo thương cảm vui mừng. Phong trào H.O. cũng bắt đầu nở rộ . Em gái lớn tôi dẹp hết buôn bán đang hồi phát đạt, đem con theo chồng "ngụy quân" qua Cali năm 92, bắt đầu gầy lại cuộc đời mới.

1995-2005
Qua giai đoạn này, chánh sách "bế quan tỏa cảng" ngu muội 20 năm qua  được nhà nước mở mắt ra, đã bãi bỏ hoàn toàn. Đánh hơi giá trị của đồng đô la Mỹ, nhà nước tìm cách ngoại giao với các nước Tây phương giàu có. Việt kiều gửi tiền về nước ào ào.  Đời sống vật chất ở Việt nam có mòi dễ thở dần dần. Dân biển đua nhau phát triển kỹ nghệ nuôi tôm xuất khẩu. Dân núi trồng cà phê, hạt điều. Phanrang cũng lớn mạnh. Nhà nước thu mua gạo, thổ sản, tôm cá trong nước bán qua Thái lan, Thái lan làm trung gian, đóng nhãn hiệu bán qua Mỹ. Liên hệ giữa Việt và Mỹ không gay cấn nữa, cải thiện từ từ, nhưng hai bên vẫn còn dè dặt. Việt Nam tranh đấu nhờ cậy các nước bạn xin cho được vô WTO để được bán hàng thẳng qua Mỹ. Đời sống kinh tế trong nước cải thiện rõ rệt. Một phần Việt kiều ở ngoại quốc làm ăn có tiền dồn gửi tiền về cho thân nhân cha mẹ, một phần dân chúng trong nước được tự do làm ăn mua bán đi lại dễ dàng hơn xưa nhiều, nên nhà cửa, ty sở, dinh thự mọc lên như nấm.

Việt kiều bắt đầu bay về nước thăm gia đình. Ở Việt nam cũng có người xin được "visa" qua Mỹ chơi. Dân chúng đua nhau học tiếng Anh, ở Saigon Đại học mở lại phân khoa Luật, dạy môn điện toán computer.  Trường dạy Anh ngữ mọc ra la liệt, ngoại quốc bắt đầu bỏ tiền ra đầu tư ở Việtnam trong nhiều lãnh vực khác nhau. Bán bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ, mở ngân hàng, hãng thuốc tây, bán computer, xe gắn máy, xưởng ráp xe máy... Các luật sư được mở văn phòng. Sân bay Nội bài và Tân sơn nhất được tân trang. Air Viêt Nam ra đời, mở các đường bay nội địa và Thái lan, Singapore... quảng cáo thắng cảnh VN, phát triển ngành du lịch. Việt kiều về sân bay bị hải quan xét giấy vòi vĩnh hối lộ. Xe chở hàng phải đóng thuế mãi lộ cho công an trạm xét trên đường quốc lộ.

Du khách quốc tế bắt đầu tới Việt nam du lịch, làm thiên hạ đua nhau xây khách sạn 4 sao, 5 sao, "nhà nghỉ", đủ loại thượng vàng hạ cám, kéo theo dịch vụ mãi dâm đĩ điếm. Các thắng cảnh, cung điện nhà vua ở Hànội và Huế được trùng tu để lôi cuốn du khách. Hội an, Nhatrang, và Mũi Né cũng đặc biệt được khai thác để thu hút ngoại tệ. Nhà nước hợp tác quốc tế khai thác dầu thô ở Vũng Tàu, bán dầu đổi lấy xăng. Ở Phanrang Tháp chàm có năm bảy cây xăng mọc ra. Đường xá  mở mang nhiều, bắt chước Mỹ cũng vẽ vạch trắng chia "lane", gắn đèn xanh đèn đỏ, nhưng  ít người đi xe tôn trọng luật lệ, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa.

Năm 99, tôi về chơi lần đầu thấy Phanrang thay đổi nhiều, có khi đi lạc, phải ngừng hỏi đường. Xe gắn máy của Nhật, Tàu và Nam Hàn nhập cảng ồ ạt, chạy đầy đường, lác đác có cả xe hơi sang trọng. Saigon Hànội tràn ngập xe cộ đủ hiệu, đi bộ một mình nhiều khi không dám băng qua đường. Đang đi trên vỉa hè phố Hàng Bông, đột nhiên cả chục xe máy dưới đường gầm rú ào ào túa lên chạy tung tóe, hoảng kinh hồn vía. Các tiệm ăn nhậu cao cấp, phòng trà, cà phê ôm, quán rượu, đấm bóp, tắm hơi, mở ra nhan nhản, đầy nghẹt khách. Công an xuất cảnh gửi giấy mời tôi tới chơi, nhã nhặn hỏi han, ve vuốt, khuyến khích đầu tư, tôi chỉ ậm ừ cười. Ngày xưa họ cho mình vượt biên là bám đít Mỹ ăn bơ thừa sữa cặn, bây giờ lại thân mật chiều chuộng, gọi là "núm ruột ngàn dậm", thật là trơ trẽn hết chỗ nói.

Chùa chiền, thánh đường họ cho hành lễ trở lại để khỏi bị quốc tế công kích, nhưng vẫn ngấm ngầm theo dõi nhất cử nhất động. Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ không chịu sáp nhập với Giáo hội Quốc doanh, bị bắt bớ, giam lỏng. Chức sắc Hòa Hảo bị đánh đập. Mục sư Tin lành bị tra tấn. Linh mục Thiên chúa cũng bị cũng bị làm khó dễ nhưng chưa dám áp bức quá đáng vì còn ngại ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican.

Năm 2000 tôi mua nhà ở Cali. Hai năm sau, làm đơn bảo lãnh mẹ qua Mỹ chơi 6 tháng. Mọi sự đều dễ dàng. Khác xa thời kỳ 80, 85, ai ra khỏi nước rồi coi như hết đường trở lại, người ở VN đừng hòng mong gặp lại người đi Mỹ. Năm 2004 tôi lại về quê thăm nhà, lại thấy đổi khác. Việt Mỹ đã lập lại bang giao chính thức nên Việt kiều có quốc tịch Mỹ được Tòa Lãnh Sự Mỹ ở VN bảo vệ, tha hồ đi du lịch từ Nam ra Bắc không bị khó dễ.  Các quan chức và nhà giàu trong nước đua nhau gửi con cái qua Mỹ, Úc, Singapore, du học càng lúc càng nhiều. Nhờ hệ thống Internet bắt đầu phát triển càng lúc càng tinh vi, chánh quyền bắt đầu mở rộng trí khôn, bớt kiêu ngạo, người dân, sinh viên mở mang kiến thức, tầm nhìn, có thiện cảm dần với người Mỹ, học hỏi cái khôn của thế giới tự do dân chủ. Nhà nước ngoại giao xin viện trợ, nhưng vẫn kềm kẹp báo chí, ngôn luận trong nước, ém nhẹm nhũng vụ tham nhũng lem nhem của tập đoàn chóp bu, vẫn nhồi sọ sinh viên với mớ giáo điều Mác Lê cũ rich để yêu kính "bác" Hồ, trung thành với "xã hội chủ nghĩa" mà Liên xô đã vứt bỏ. Tổng thống Clinton qua thăm xã giao, được dân chúng vui mừng chen nhau tiếp đón. Phan văn Khải qua Mỹ, bị người Việt ở Mỹ biểu tình đả đảo. Doanh nhân trong nước cho qua Mỹ tham quan, họp hành rút kinh nghiệm. Nhưng tuyệt đối đàn áp biểu tình, cấm làm chính trị. Công an đàn áp dân biểu tình, sợ bị chụp hình lên báo, thuê dân côn đồ xã hội đen dàn cảnh tung xe, đâm thuê, giết mướn các kẻ chống đối. Bắt bớ, bỏ tù, hăm dọa các nhà tranh đấu dân chủ như bác sĩ Sơn, linh mục Lý, luật sư Đài, Lê thị Công Nhân, tiến sĩ Giang.. Cho dân tự do làm giàu, nhưng không được hội họp bàn tán chính trị. Nhà nước bán, cho thuê đất đai, dinh thự cho ngoại quốc đầu tư. Cán bộ cao cấp lợi dụng chánh sách quy hoạch đât đai, cướp đất của dân hay đền bù rẽ mạt, làm dân đen khiếu nại ra tới Hà nội. Có quyền thì làm ra tiền.Vợ các quan lớn lợi dụng uy chồng, tranh đua kinh tài. Các nhà địa ốc mua rẽ bán đắt, làm giàu mau lẹ. Dịch vụ tổ chức môi giới cho gái nghèo lấy chồng Đài loan, Nam Hàn mọc ra như nấm. Mua con nít gái bán qua các động mãi dâm ở Cambuchia , bị quốc tế phanh phui. Nhà nước xuất khẩu lao động qua Mã lai, Indonesia, Đông Âu, xén bớt lương thợ ...Dịch vụ môi giới cho khách Âu Mỹ xin con mồ côi VN bị tai tiếng lem nhem. Các đường dây kết hôn giả, làm hôn thú giả qua Mỹ sống ngày càng lộ liễu. Nhiều thanh thiếu niên sa vào con đường nghiện ngập ma túy, chơi bời mắc bệnh SIDA. Con ông cháu cha mua xe hơi  de luxe" chạy đua, gây tai nạn, bỏ chạy...Nhưng đó chỉ là cái giàu bề ngoài, chỉ có ở thành phố lớn, của giới đảng viên cán bộ chóp bu và thành phần ăn theo. Có đi về miền quê, miền sâu miền xa, mới thấy cái nghèo đói thê thảm của người dân đồng ruộng, đồi núi thượng du, các dân tộc thiểu số. Chênh lệch giữa giới giàu nghèo càng ngày càng rộng. Nhà nước dùng cò mồi, nhiều thủ đoạn ra sức chiêu dụ "Việt kiều yêu nước" về nước đầu tư, hầu như chẳng ai dám về. Về làm ăn thì tiền mất tật mang, cái gương "Vua chả giò" Trịnh vĩnh Bình ở Hòa lan đem vàng và tiền về đầu tư bị chụp mũ, nhốt tù còn đó. Ba quyền Lập pháp, Hành pháp,Tư pháp nằm cả trong tay Đảng, ai mà dám về? Quốc hội thì đa số toàn các ông bà "Nghị gật", ngậm miệng ăn tiền. "Đảng cử, dân bầu", dân bị lùa ép đi bỏ phiếu, nếu không công an tới nhà làm khó dễ. Giai cấp cai trị cứ lo làm giàu, không thèm quan tâm tới dân,"sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi". Có nhiều tin đồn trong dân gian rằng chóp bu Đảng và các tham quan giàu sụ, phải rửa tiền, lén lút chuồi tiền ra ngoại quốc, gửi con qua Mỹ du học, mở các ngân khoản bạc tỷ ở ngân hàng Thụy sĩ, mua xe, mua nhà và cơ sở kinh doanh ở Mỹ bằng tiền mặt, phòng khi có biến thì "dông".

Tin tức nhà nước tham nhũng, bất công, đàn áp nhân quyền, tôn giáo, truyền đi nhanh chóng nhờ các bloggers trên Internet, nhờ tiếp sức của báo chí truyền thông hải ngoại online, nhất là ở Mỹ và Úc, đua nhau khai thác bộ mặt xấu xa của CSVN, chuyển tin về quốc nội. Thần tượng Hồ chí Minh sụp đổ trong lòng đại đa số nhân dân, với sự thật nham nhở cùng nhiều chứng cớ rõ ràng về đời tư bị Internet đưa ra ánh sáng. Đối với tất cả các tin đồn "tiêu cực" đó, báo chí, Tivi, truyền thông nhà nước CS một mực tuyên truyền do các "thế lực thù địch hải ngoại" tung ra. Sau đó là đủ loại “nghị quyết” kiều vận, đưa tiền và gián điệp ra hải ngoại lũng đoạn, chia rẽ đánh phá cộng đồng người Việt.

2005-2010
Trong khi báo chí người Việt hải ngoại ở Âu Mỹ và Úc hơn lúc nào hết, phổ biến những điều xấu xa nhục nhã ở Việt nam như  qua Bắc kinh hầu hạ nhận lệnh quan thầy, xin xỏ viện trợ Âu Mỹ, luồn cúi nhịn nhục Trung quốc, đàn áp tôn giáo, chà đạp nhân quyền trong nước, ám sát bắt bớ các nhà tranh đấu dân chủ, lực lượng tranh đấu hải ngoại luôn tìm cơ hội vận động quốc hội Âu Mỹ  lên án Việt nam độc tài, khiến Nhà nước ta nổi dóa, áp lực các nước Đông nam Á phải đập phá các tượng đài tưởng niệm những thuyền nhân VN chết trên biển Đông và cong cớn phản đối quốc tế không nên can thiệp xen vào nội bộ chính sách Việt nam.

Đây là thời kỳ mà phong trào tranh đấu dân chủ nhân quyền trong nước lên  cao tột đỉnh trong suốt 30 năm qua, song song với những vụ tham nhũng khổng lồ vỡ lỡ cả thế giới đều biết (PMU, cá độ bạc triệu, Dự án Xa lộ Đông tây, Air Viêtnam ăn cắp buôn lậu, nhân viên sứ quán buôn lậu sừng tê giác ở Nam phi, in giấy bạc Polymer ở Úc, chiếm đất Xuân lộc chia chác làm của riêng...) những sự kiện nhục quốc thể chưa từng có trong lịch sử VN, đánh động tới lòng ái quốc và lương tâm của người dân yêu nước, ngay cả trong giới đảng viên như tướng Trần Độ, ông Hoàng minh Chính, trung tá Trần anh Kim cũng trả thẻ Đảng, công khai chống đối...

Chưa bao giờ có nhiều nhà tranh đấu dân chủ trong nước bị ra tòa, bỏ tù nhiều như giai đoạn này. Nguyễn tiến Trung, Lê công Định, blogger Điếu Cày, Trần khải Thanh Thủy, các phụ nữ bênh vực cho nông dân bị cướp đất... Phạm thị Thanh Nghiên ngồi nhà treo bảng "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt nam" cũng bị bắt nhốt, rồi lôi ra tòa xử 3 năm tù. Thật là tủi nhục cho đất nước bị ngoại bang láng giềng khống chế, chưa bao giờ trong lịch sử có chuyện như thế xảy ra. 

 Cọng sản Viêt nam ngoan ngoãn để cho Trung quốc đuổi tàu Anh, tàu Mỹ vào biển VN thăm dò dầu mỏ, chiếm hai đảo Hoàng Sa và Trường sa, lấn đất biên giới, lấn chiếm hải phận, bắt cóc, cướp cá, đòi tiền chuộc và bắn chết ngư dân VN trên biển nhà, nhưng lại bỏ tù không thương tiếc các nhà ái quốc trong nước. Công an đàn áp các cuộc biểu tình sinh viên chống  đoàn lực sĩ điền kinh Tàu rước đuốc ngang qua Saigon, reo hò biểu tình trước tòa đại sứ Tàu ở Hànội năm 2007. Cựu thủ tướng Võ văn Kiệt đã về hưu, biết rõ sai trái, kêu gọi thay đổi đường lối độc tài thì đột nhiên bệnh lăn ra chết, có tin đồn bị đánh thuốc độc. Ký giả  phóng viên có thẻ Đảng của báo Tuổi trẻ do Kiệt đỡ đầu, lỡ đăng tin tham nhũng chóp bu, cũng bị xử án, bỏ tù. Cha Lý bị công an bịt miệng trước Tòa án không cho nói, có ký giả lén chụp được hình, tung ra trên mạng, cả thế giới đều biết, công kích phản đối ầm ỹ, làm Hànội điếng hồn như gái ngồi phải cọc. Kế đến vụ Nguyễn tấn Dũng cho Tàu đem quân đội và dân thất nghiệp vô khai thác Bâu xít ở Tây nguyên lên đến hàng vạn người, bị tướng Giáp và vô số thành phần trí thức khoa học gia trong nước phản đối nhiều lần không có kết quả. Trên mạng, loan khắp nơi tin đồn Tàu cho Dũng 50 triệu "đô" bỏ ngân hàng Thụy sĩ đổi lấy Tây nguyên. Lại có tin nói Tàu thật ra cốt ý khai thác "uranium"(khô ng phải bâu xít) làm bom nguyên tử. Luật sư Cù hà Huy Vũ nộp đơn kiện thủ tướng Nguyễn tấn Dũng giao Tây nguyên cho Tàu khai thác bâu xít là trái luật, bị Dũng sai công an tới đập phá tường rào trả thù.

Nhiều người tiên đoán có ngày  Hải quân Tàu ngoài khơi ở Hoàng Sa sẽ bắn vô, súng đại bác của lính Tàu trên Tây nguyên sẽ bắn xuống, kẹp miền Trung vô giữa, chia VN thành hai mảnh để dễ bề thôn tính. Nhà nước ta ý thức được nguy hiểm của thế giới ảo Internet, môi trường thuận lợi cho sự liên kết phối hợp các thành phần chống đối trong và ngoài nước với nhau, ra sức dùng kỹ thuật "tường lửa" ngăn chận, kiểm soát chặt chẽ các quán cà phê Internet, theo dõi email tư nhân... nhưng họ ngoan cố không hiểu rằng dưới ánh sáng mặt trời, thế kỷ 21, thời đại mà tin học tiến bộ vượt bực từng ngày, không có gì ám muội, xấu xa tồn tại mà không bị phanh phui.

Nhiều chuyện tham ô, bao che nhau từ nhà nước đến tư nhân, từ trên xuống dưới lâu lâu đổ bể, được dân chúng bàn tán xôn xao, nhất là các vụ thầu xây cất. Cầu đường xây lên chưa đầy năm đã nứt lõm, nghiêng vẹo, lủng lỗ, có khi đang xây đã đổ sập, giết chết  công nhân, vì tập đoàn toa rập ăn bớt xi măng, sắt thép. Có lần bọn nhà thầu còn dám dùng tre thay cho thép để đúc bê tông, làm cầu sập, cột gãy, thật là quá sức tham tàn độc ác. Vậy mà còn dám vay tiền quốc tế chuẩn bị xây 2 nhà máy nguyên tử lực ở Ninh thuận, biết có an toàn bảo đảm không, hay lại rò rỉ phóng xạ gây nguy hiểm chết người như ở Liên Xô năm nào.Tham nhũng là hiện tượng nổi bật, nhà nước luôn miệng tuyên bố ưu tiên "giải quyết", nhưng chỉ làm nửa vời. Quan trên nói láo, tham ô, làm sao dạy cho cấp dưới tánh thật thà, đức thanh liêm. Thượng bất nghiêm, hạ tắc loạn, làm sao mà giải quyết? Tố tham nhũng có khi còn bị trả thù, trù dập, người dân cũng chán không thèm tố nữa. Nhưng cũng không còn sợ công an, bắt đầu đoàn kết đánh trả, nhốt cảnh sát, đốt xe công an, làm nhà nước địa phương phải gửi thêm viện binh tới.

Trong khi đó, thì ai cũng thấy rõ đạo đức xã hội trong nước xuống cấp đến mưc báo động. Chương trình học không có môn Đức dục, hay Công dân giáo dục, dạy các giá trị làm người căn bản như hiếu thảo, trách nhiệm, lễ phép, vị tha, trung thành, lương thiện của đạo Khổng. Lý nhân quả báo ứng của đạo Phật, đạo Chúa lại không được tôn trọng, nên tôn ti trật tự đảo lộn, trong dân gian nhan nhản xảy ra những cảnh trò đánh thày, thày đánh trò, hiếp dâm nữ sinh, hiệu trưởng "mua dâm" nữ sinh, con giết cha, mẹ giết con, chồng giết vợ, cháu giết bà, ông già hiếp dâm con nít, cướp giật, lường gạt...

Vụ nổi cộm mới đây là vụ đụng chạm tự do tôn giáo mà trong Hiến pháp VN quy định công nhận rõ ràng: đàn áp cướp đất Tam Tòa và đuổi tăng ni môn đồ làng Mai khỏi chùa Bát Nhã mà cả thế giới đều nghe biết và lên tiếng bất mãn... Kế đến, vụ dập phá Thánh giá ở  Đồng Chiêm, đả thương đổ máu linh mục giáo dân. Thế giới tự do Âu Mỹ lên án, Hà nội tỉnh bơ, bình chân như vại.  Có tin đồn bàn tay "lông lá" của cố vấn Tàu ngay trong Bộ chính trị thúc đẩy.

Thiên hạ đồn có 2 phe trong Bộ chính Trị, phe thân Mỹ, phe thân Tàu, "chơi nhau", nên nhà nước hành xử mâu thuẫn, chuệch choạc. Trong khi đó thì mấy năm nay, thiên tai bão lụt mỗi năm càng tàn phá đất nước nặng nề hơn, làm khổ người dân đen đến cùng tận. Thành phố Hà nội và Saigon chìm đắm ngập lụt trong nước mỗi khi cơn mưa lớn đổ xuống. Nước biển lấn vào đồng bằng lục tỉnh, sắp tràn lên nuốt hết đất đai trù phú miền Nam, vựa lúa lớn nhất Đông nam Á. Sông Cửu long ô nhiễm và Nhị Hà khô cạn lần.  Triệu chứng Trời phạt, hay chỉ là hậu quả việc tàn phá môi sinh, hiện tượng thay đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu?

Trong những thay đổi biến động dồn dập trong nước mấy năm qua, biểu lộ lòng khao khát dân chủ tự do của người dân Việt chịu đựng quá nhiều đau khổ, 35 năm sửa sai đổi mới mà đất nước vẫn còn chìm đắm trong nghèo đói, đạo đức người dân lại ngày càng suy đồi, xã hội chỉ biết chạy theo tiền bạc, tôi thường bâng khuâng tự hỏi xã hội đất nước mình đang đi vào ngõ cụt, hay bắt đầu giai đoạn "cùng tắc biến" theo như trong Kinh Dịch nói.

2010
Thế là Tết này, sau 35 năm chế độ cọng sản cai trị người dân, tôi nảy ý về VN ăn Tết để coi lại quê hương mình có gì thay đổi. Nhà cửa, đường xá, xe cộ, kinh doanh rõ ràng là có sầm uất, hiện đại, tiến bộ hơn, so với cả trước 75 thời kỳ chiến tranh Nam Bắc, nhưng con người, đường lối giáo dục đào tạo thế hệ tương lai mất đi tính cách nhân bản và đạo đức của thế hệ trước đây.

Saigon, Hà nội nhà cửa dinh thự mọc lên như nấm.Thành phố tỉnh lẻ như quê tôi cũng lớn lên nhiều lắm, nhà cửa, đường xá chi chit, tiêm buôn sầm uất, những người quen cũ đã già lão, có người đã chết, chỉ còn lác đác năm ba người  quen rải rác đó đây, tay bắt mặt mừng, nhắc kỉ nệm cũ, còn toàn là mặt thanh niên thiếu nữ mới lớn, trơ mắt nhìn mình như người xa lạ.

Tục lệ cúng Ông táo ngày 23 tháng chạp vẫn còn nhiều người giữ, áo quần giấy, vàng mã, nải chuối, ly gạo,tách nước... Ngoài phố xe cộ nhộn nhịp, buôn bán sầm uất, nhưng ở hang cùng ngỏ hẽm có nhiều gia đình lao động nghèo suốt năm quần quật làm không đủ ăn.Tết đến, đau buồn tủi hổ không sắm nỗi áo quần, giày dép mới cho con.Trẻ con nghèo giàu gì cũng có cùng một tâm hồn nao nức chờ đón được mặc đồ mới, tiền lì xì mừng tuổi, đốt pháo, mua này mua kia, bỏ tiền đồng binh...Chót sinh vào làm con nhà nghèo, con mồ côi, thì đành chịu, ngồi nhà nhìn ra đường coi thiên hạ xe cộ qua lại, xanh đỏ tím vàng áo quần lộng lẫy du Xuân chúc Tết...

Tôi nhớ lại cái cảm giác nô nức hiếu kỳ của những ngày cuối năm  khi còn trong nước. Bây giờ quá quen với phong tục Âu Mỹ mấy chục năm nay, đầu hai thứ tóc, không còn cái cảm giác nao nao của những ngày niên thiếu lúc cuối năm, tuy cố chuẩn bị cho mình cái tinh thần ngày Tết, mà sao nhìn đâu cũng thấy "buồn ơi chào mi", thấy toàn là kỷ niệm, mất mát, người thân khuất bóng, kẻ quen chia lìa, ly tán.

Gia đình tôi như mọi nhà khác trong nước vẫn giữ truyền thống Mồng Một chúc Tết lì xì trong gia đình. Má mặc áo gấm, ngồi ghế trịnh trọng, con cháu lớn nhỏ tề tựu xung quanh. Chín đứa con mà chỉ có ba anh em đứng đó chúc Tết cho mẹ, những đứa khác không về. Xong màn chúc Tết, tất cả vào buồng thờ lạy Phật và ông bà. Kế đó, cả nhà lên xe đi nghĩa trang thăm mộ thắp nhang cho ông bà và ba... Ngày xưa mướn nguyên chiếc xe Lambretta chở cả nhà thật vui, bây giờ thì cứ 2 người ngồi một xe Honda, nối đuôi nhau chạy.  Mỗi lần ra thăm mộ là mỗi lần thấy lòng chùng xuống, kỷ niệm xa xưa hiện về khêu gợi mối thương tâm. Đưa mắt nhìn cây cỏ xung quanh mà biết tâm sự cùng ai, tâm tư lan man nhớ lại những mùa Xuân mấy chục năm về trước, những năm hạnh phúc êm đềm gia đình anh em còn đông đủ.

Trên đường về, ghé chùa Tỉnh Hội lễ Phật, cúng tiền phước sương, lì xì hỏi thăm mấy chú tiểu. Qua chùa Diệu Ấn, thăm Sư cô trù trì, ăn miếng mứt gừng, cúng tiền, dạo cảnh. Chùa chiền ngày Xuân bây giờ không được tấp nập, ấm cúng, đông đúc rộn rã như ngày xưa, thời mà các sư các ni được quí trọng. Tôn giáo bây giờ bị trù ếm, bôi nhọ, rình rập, nghi kỵ, Phật tử tín đồ cũng ngại ngùng, ít dám tới chùa, tâm sự với ai. Biết tin ai trong xã hội này. Công an chìm đầy dẫy. Thời nào cũng có những kẻ ươn hèn đốn mạt làm tay sai để hưởng cơm thừa cá cặn của kẻ ác cai trị, không biết khi chết, đầu thai vào súc sanh, địa ngục, hay cảnh giới tối tăm nào.

"Chia để trị " là sách lược của thực dân Pháp ngày xưa, giờ được Đảng dùng lại, vì nó hiệu quả, có lợi cho nhà nước. Về nhà, em gái xuống bếp hâm thức ăn, khui bánh chưng bánh tét, củ kiệu củ cải dưa muối, thịt heo kho nước dừa, dọn lên cả nhà ăn trưa.  Má mệt, đi nằm nghỉ, con cháu ai muốn đi đâu thì đi, thăm bạn bè, người quen..

Tôi lái xe Honda xuống biển Bình Sơn, cách thành phố có 2 cây số, hóng gió biển, thấy dân nhà quê áo quần xanh đỏ từ các nơi xa xôi đổ xô về, gửi xe đông nghẹt, y chang như ngày xưa. Muốn mua  vé vào xem Hội chợ, ăn uống, xem xiếc, đánh bài, bầu cua cá cọp. Tiếng nhạc ồn ào, tưng bừng, màu sắc trang trí cờ quạt xanh đỏ phất phới trong gió biển thật vui mắt. Cũng muốn gửi xe, bước xuống lăn mình vào dòng người vui nhộn, coi này coi kia, vui lây cái vui của thiên hạ, nhưng kịp hiểu rằng thời của mình không còn nữa. Sẽ chỉ lạc lõng trong biển người mộc mạc dưới kia, gặp toàn những khuôn mặt trẻ mới lớn xa lạ, đào tạo nuôi dưỡng trong một hệ thống giáo điều nhồi sọ, toàn những người chưa hề biết chiến tranh Việt nam là gì, không chút ý niệm gì về nhân quyền, dân chủ, tự do. Sẽ nhớ tiếc thời vàng son tươi đẹp, thời đùm túm bè bạn thân thiết của những ngày niên thiếu xa xưa...

Như thế đó, tôi trở về quê hương ăn Tết, để thấy mình chỉ là người già cô đơn trong biển người trẻ mới lớn thụ động kia, xử dụng những tiếng Việt mới lạ, không biết phép lịch sự và tôn trọng luật lệ như người Tây phương. Không có một biến cố lịch sử chung nào, một hoạt động xã hội chính trị  chung nào ràng buộc mình với những người xa lạ đó để trở thành thân quen. Mình như thuộc về một thế giới khác, một xã hội khác, sau khi rời bỏ quê hương gần ba mươi năm qua... Dù có muốn về ở lại quê cũ, nhưng biết sẽ không thể chịu nổi đủ thứ rắc rối, bực mình, khó dễ, mè nheo tiền bạc từ phía công an.

Con chim đã thoát ra khỏi lồng tối, nếm mùi tự do bay nhảy trong ánh sáng rực rỡ của trời cao đất rộng, sao lại có thể chịu chui đầu vào chiếc lồng ọp ẹp hắc ám trở lại.

No comments: